Âm vang tiếng chày trong buôn làng
Từ bao đời nay, chiếc cối giã gạo đã gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chúng được ví như “người bạn” của mọi nhà nên dù cuộc sống hiện đại, máy xay xát được kéo về tận buôn làng, tiếng chày vẫn vang lên đều đều…
Một buổi sáng tháng chín thanh bình bên mái nhà sàn, bà H’Viết Liêng (56 tuổi) ở buôn Ja, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đang cặm cụi giã gạo trong chiếc cối gỗ để nấu canh bột (món ăn quen thuộc của người M’Nông, được nấu từ các loại lá rừng với bột gạo). Hỏi tại sao không mua bột xay sẵn cho tiện, bà H’Viết đáp, phải là bột gạo tự tay giã thì nấu canh mới nhuyễn đều, có vị thơm ngọt. Bà kể, trước đây, khi trong buôn chưa có máy xay xát, hạt lúa, hạt bắp thu hoạch trên rẫy về đều đi qua miệng cối để trở thành thức ăn nuôi sống con người. Công việc giã gạo do phụ nữ trong gia đình đảm nhận. Thời điểm bà con trong buôn giã gạo tập trung nhất là vào buổi chiều tối và sớm mai. Sau một ngày lao động trên nương rẫy, chiều về, các mẹ, các chị liền ra nhà kho lấy lúa mang ra cối giã nấu cơm tối. Sáng hôm sau, khi bình minh ló rạng các mẹ, các chị lại tiếp tục giã gạo thổi cơm cho kịp giờ lên rẫy. Gạo giã xong nấu liền mới ngon nên mỗi ngày nhịp chày cứ thậm thình, ngân vang từ đầu cho đến cuối buôn.
Bà H’Viết Liêng bên chiếc cối giã gạo. |
Với người Tây Nguyên hiện nay, máy xay xát có mặt khắp buôn làng, nhưng có một điều chắc chắn rằng, tiếng máy nổ ầm ào của những cỗ máy xay xát hiện đại kia không bao giờ thay thế được vị trí âm thanh "thậm thình" đều đều của tiếng chày giã gạo. |
Cối của đồng bào Tây Nguyên được làm từ cây tơnung, còn gọi là cây lộc vừng cạn. Ưu điểm của loại cây này là khi còn tươi rất dẻo, thuận lợi cho việc đục đẽo tạo dáng, nhưng khi khô thì rắn như đá nên cối không bị vỡ. Khi chế tác cối, người ta cắt một khúc gỗ cao tầm 0,3-0,4m rồi dùng rìu đẽo vào ruột gỗ. Để tạo lòng cối, người chế tác phải đẽo nhiều lần. Mỗi lần đẽo, phải bỏ vào miệng cối một ít than củi đang cháy rồi tiếp tục đục đến khi có độ sâu ưng ý thì thôi. Cối được chạm khắc hoa văn ở thành ngoài và phía trên miệng cối, hoa văn đa dạng tùy theo cảm hứng của người chế tác. Mỗi cối có hai chiếc chày, được làm bằng gỗ cây kơnia hoặc cây hương, dài chừng 1,5 m, to tròn bằng bắp chân người trưởng thành. Giữa thân chày có khắc sâu thêm vài vòng tròn để khi cầm không bị trơn. Người Tây Nguyên xem cối là vật thiêng, được dùng làm của hồi môn và trân trọng giữ gìn như vật quý giá, lưu giữ hết đời này sang đời khác.
Bây giờ, có máy xay lúa nên người dân trong buôn không giã gạo thường xuyên nữa. Tuy nhiên ai cũng vẫn giữ cối để giã gạo làm các món ăn truyền thống như canh bột, lá mì xào… Để hạt gạo giã ra vỡ đều thì tư thế, cách giã rất quan trọng. Khi giã, hai chân đứng vững bất di, bất dịch, tay cầm chày đặt thẳng trước mặt thực hiện động tác nhấc chày lên, thả xuống nhịp nhàng, uyển chuyển như vũ điệu. Nhờ những đêm trăng thanh giã gạo mà nhiều đôi trai gái có cơ hội tìm hiểu nên duyên vợ chồng.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc