Multimedia Đọc Báo in

Nghề đan lát của đồng bào Thái

15:10, 27/09/2017

Các sản phẩm đan lát truyền thống: mâm cơm, ghế ngồi, nong, nia, thúng… được đồng bào dân tộc Thái ở huyện biên giới Ea Súp tự tay làm ra, chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình.

Cùng với các loại hình văn hóa truyền thống khác, nghề đan lát của đồng bào Thái có từ lâu đời. Đây được xem là công việc của người đàn ông nên từ bé họ đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy rất kỹ. Nhờ vậy, mọi sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp họ đều thực hiện thuần thục. Ngoài yêu cầu kinh nghiệm, thợ đan lát còn phải khéo léo, công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới tạo thành sản phẩm như ý.

Những nguyên liệu để thực hiện từng sản phẩm hầu như sẵn có trong tự nhiên: mây, tre, nứa, giang… Tuy vậy việc lựa chọn nguyên liệu cần kỹ càng: tre, nứa đã già, ống cây phải thẳng. Sau khi mang về nhà, tre không nên để lâu (tránh mọt, khô sẽ khó chẻ), được cắt khúc từng đoạn, sau đó chẻ nan và vót tre làm sao phù hợp với từng loại sản phẩm. Các nan tre được chẻ và vót khá đều nhau, trước khi đan thường được ngâm nước để tăng độ dẻo. Kỹ thuật đan của đồng bào Thái khá đa dạng: ô vuông, ngang, dọc, đan bắt chéo… Mỗi sản phẩm muốn bền đẹp phải mất ít nhất vài ba ngày, thậm chí những sản phẩm phức tạp có khi mất cả tháng trời. Sau khi hoàn thiện, bà con thường gác trên bếp để hun khói, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt.

Một số sản phẩm mây tre đan do đồng bào Thái ở huyện Ea Súp thực hiện.
Một số sản phẩm mây tre đan do đồng bào Thái ở huyện Ea Súp thực hiện.

Có dịp đến thăm các thôn 9, 10, 11 và 12 (xã Ya Tờ Mốt) mới thấy nhiều gia đình đồng bào Thái nơi đây vẫn còn gìn giữ được nghề đan lát truyền thống. Rất nhiều gia đình đều sắm hoặc tự đan cho mình một vài vật dụng từ mây, tre...

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc, cụ Lang Văn Ọt (xã Ya Tờ Mốt) tranh thủ thời gian nông nhàn để đan lát các vật dụng cần thiết cho gia đình. Lập nghiệp trên quê hương mới hơn 20 năm, nhưng những nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái vẫn được cả gia đình cụ gìn giữ. Từ ghế ngồi, cái nia, mâm cơm… trong gia đình đều do đôi bàn tay khéo léo của cụ làm ra.

Mang mâm cơm (người Thái trắng gọi là phươn tre, người Thái đen gọi là pan tre) của gia đình có “tuổi thọ” gần 20 năm do chính mình làm, cụ Ọt hồ hởi kể: “Mâm cơm được làm bằng tre và mây, với đồng bào Thái ngoài tác dụng đựng thức ăn thì còn dùng để đựng các lễ vật, đồ cúng tổ tiên, ông bà”. Để hoàn thiện sản phẩm này, cụ Ọt phải mất hơn một tháng, mâm gồm có 2 phần: mặt mâm có hình tròn và chân có hình trụ. Sau khi hoàn thành, muốn mâm có màu trắng nên ngâm nước muối khoảng 1 ngày, sau đó đặt lên bếp lửa để hong khói. Mâm được đặt đứng, có chiều cao khoảng 50 cm. Tuổi thọ của mâm cơm tùy thuộc vào chất lượng vật liệu, tay nghề của người đan, có những chiếc có thể sử dụng được trên 20 năm, thậm chí lâu hơn thế.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề đan lát của đồng bào Thái ở Ea Súp không còn phổ biến như trước đây, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên vật liệu tăng cao, hoàn thành một sản phẩm mất quá nhiều thời gian, trong khi giá cả các vật dụng bằng nhựa, inox, nhôm trên thị trường lại rẻ, đẹp, đa dạng màu sắc. Bên cạnh đó, các sản phẩm đan lát không còn được nhiều người lựa chọn như trước. Đa phần những người đan giỏi đều đã lớn tuổi, còn thế hệ trẻ gần như không mặn mà.

Biết thực tế là vậy, nhưng bác Vi Viết Hội, thôn trưởng thôn 9 vẫn động viên con cháu, bà con trong thôn cố gắng gìn giữ nghề truyền thống. Tranh thủ nông nhàn, nhiều người cao tuổi ở xã Ya Tờ Mốt như bác Hội, cụ Ọt… lại hướng dẫn, truyền dạy cho con cháu cách đan lát các vật dụng để qua đó tiếp thêm lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.