Multimedia Đọc Báo in

Những người M'nông căng tai cuối cùng ở cao nguyên

17:39, 17/09/2017

Tập quán căng dái tai để đeo đồ trang sức như tre nứa, ngà voi... đã từng tồn tại lâu đời ở người M’nông. Họ được người Êđê, một dân tộc cận cư gọi là những người “tai sề”. Tập quán đeo trang sức này đã mờ nhạt dần theo thời gian.

Ngày nay, giới trẻ không còn ai căng tai nữa mà để dái tai phát triển tự nhiên và đeo hoa tai hợp thời trang. Hiện nay, ở bon (buôn) La La Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) chỉ có 3 người “căng tai”: Cụ bà H’Glang (93 tuổi), cụ bà H’Bing (76 tuổi) và cụ bà H’Yộ (82 tuổi). Họ chính là những người “tai sề” cuối cùng trên cao nguyên, lưu lại dấu vết trang sức cổ xưa của con người.

Quá trình “căng tai” của người M’nông phải trải qua một thời gian dài. Lúc đầu họ dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai. Gai cây chanh để nguyên mũi nhọn chỉ cạo sạch vỏ, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ lỗ tai.  Phải xỏ ngay chính giữa dái tai, nếu xỏ không vào chính giữa, sau này tai căng ra không được to. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên cây gai dính vào tai, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước sôi nấu gừng. Khi tai hết chảy máu và vết thương đã thật lành lặn, họ bắt đầu vặn cây gai vào dần, mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Người ta lại vót cây khác to hơn, cũng có đầu to đầu nhỏ. Bên đầu nhỏ vừa xỏ lọt lỗ tai, hằng ngày cứ tiếp tục vặn dần vào. Khi đầu to của cây lọt qua lại tiếp tục làm cây khác lớn hơn khiến dái tai ngày càng căng rộng để có thể đeo trang sức bằng gỗ, tre nứa, ngà voi...

Chân dung cụ bà H'Glang.
Chân dung cụ bà H'Glang.

Những người giàu có, khá giả thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai (mlo tôr la) kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi gần đến vai. Tập quán trang sức này được nhắc đến trong các câu ca dao của người M'nông như: "Hợp với tai mới đeo ngà voi; hợp với cổ mới đeo xâu cườm; hợp với đầu mới quấn cườm hoa".  Đàn ông, đàn bà dân tộc M’nông đều thích đeo bông tai ngà voi. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, đi dự lễ hội..., họ thường đeo cặp ngà cho thêm phần sang trọng. Một đôi bông tai ngà voi trị giá bằng một con trâu có sừng dài một hăt (một đơn vị đo chiều dài cổ truyền của người M'nông, được tính từ cùi chỏ đến ngón tay giữa khi được duỗi thẳng) hoặc là một chiếc ché cổ. Với đôi tai căng ở mức vừa, đồng bào có thể đeo được những loại khuyên tai như hình con đỉa, hình xoắn vòng tâm, ngà voi loại nhỏ...

Đến tận ngày nay, các cụ bà ở bon La La Dơn còn giữ lại nét văn hóa thời quá khứ xa xưa. Đặc biệt, dái tai của cụ bà H’Yộ sề xuống tận bờ vai, có lỗ khá rộng, minh chứng cho một thời từng sở hữu đồ trang sức quý và biết cách làm đẹp theo kiểu xưa của cộng đồng. Bà cụ H’Glang tuy tuổi cao nhất trong các cụ bà “căng tai” nhưng ánh mắt còn sáng trong, mũi thẳng và có nụ cười rất đẹp khiến gương mặt luôn ánh lên nét phúc hậu. Bà cụ này còn giữ nhiều món trang sức cổ như nhẫn, vòng đồng đeo cổ tay, chuỗi cườm đeo cổ. Mặc dù có lỗ dái tai đặc biệt như vậy nhưng từ lâu các cụ bà này không còn đeo hoa tai vì những hoa tai truyền thống như ống nứa, ngà voi, vòng nhôm đã không còn nữa. Những đôi bông tai bằng ngà voi là tài sản quý giá nhất của đồng bào phần nhiều đã được bán cho những người săn tìm đồ cổ. Đồ trang sức này giờ đây chỉ được tìm thấy trong tủ kính trưng bày hiện vật của các bảo tàng ở Tây Nguyên.

Hình ảnh người già Tây Nguyên “cà răng căng tai”, đeo vòng ống chân, ống tay thường là đề tài thu hút những nhà nhiếp ảnh đi tìm bản sắc tộc người. Các cụ già căng tai ở cao nguyên M’nông vẫn được các nhà nhiếp ảnh đến thăm với niềm hứng khởi thực thụ trong cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp, cái độc đáo của xứ Thượng. Hơn ai hết, các nhà nhiếp ảnh muốn nhanh chân hơn, lặn lội đến với các bon làng xa xôi, hẻo lánh để kịp thu vào ống kính của mình những người già cuối cùng còn mang trên thân thể dấu vết của tục căng tai trước khi các cụ về với thế giới của thần linh.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.