Multimedia Đọc Báo in

Tục cúng Rằm tháng Bảy của người Mường

09:06, 25/09/2017
Vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm, người dân tộc Mường ở huyện Krông Bông lại chuẩn bị mâm cúng tổ tiên với nhiều lễ vật và các nghi lễ thờ cúng độc đáo.

Người Mường sinh sống rải rác ở các xã trên địa bàn huyện Krông Bông, tập trung đông nhất ở xã Cư Pui và Hòa Sơn. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Mường tin vào sự bất tử của linh hồn, tin vào sự tồn tại của một cõi thiêng, nơi mà các linh hồn sinh hoạt, dõi theo cuộc sống con người nơi trần thế. Do đó, mọi gia đình đều có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhằm tỏ lòng thành, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn được an khang thịnh vượng, trong đó có ngày Rằm tháng Bảy.

Ông Ngân Xuân Ngạo, người dân tộc Mường ở thôn Dhung Knung (xã Cư Pui) cho biết, người Mường ở đây luôn quan niệm người chết vẫn tồn tại siêu hình bên cạnh người sống, cho nên đầu năm, giữa năm phải có lễ viếng mộ người thân (tạ ma nhà) để người chết không bị thiếu thốn vật chất và họ sẽ phù hộ cho người sống khoẻ mạnh, ăn nên làm ra. Tháng Bảy là tháng tiết trời thường mưa dầm gió bấc, nhiều loại ma đói, ma khát không ai cúng tế lang thang đi chầu chực kiếm ăn theo các vong có chủ. Động lòng với những hồn ma lang thang, người sống cũng sắm lễ vật bố thí để những linh hồn này cùng được ăn uống, không phá phách và phù hộ cho gia chủ. Đồng thời thần linh ở trên trời nhìn thấy tấm lòng nhân đức của con người làm việc thiện mà phù hộ cho dân làng gặp điều tốt lành, sau này chết đi sẽ không bị đày đọa.

Những cụ bà người Mường ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) quây quần ngồi têm trầu để dâng lên tổ tiên trong dịp Rằm tháng Bảy.
Những cụ bà người Mường ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) quây quần ngồi têm trầu để dâng lên tổ tiên trong dịp Rằm tháng Bảy.

Cũng như nhiều gia đình người dân tộc Mường khác, hằng năm, cứ đến trung tuần tháng Bảy, gia đình bà Bùi Thị Huyền, ở thôn 6, xã Hòa Sơn tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị cúng rằm. Mọi người quây quần lại cùng nhau làm những món ăn truyền thống như xôi oản, rượu sả để cúng tổ tiên và chuẩn bị đồ lễ cúng cô hồn, làm lễ tạ ma cho người chết. Năm nay, bà Huyền lựa những hạt nếp ngon nhất để đồ xôi và nhờ những thiếu nữ chưa chồng trong làng giúp bà đóng oản. Bà Huyền chia sẻ: “Trong mâm lễ cúng Rằm tháng Bảy của người Mường không thể thiếu được món xôi oản được đồ lên từ nếp trắng và do người con gái chưa chồng tuổi khoảng 15-16 đóng vào trong ống nứa đã được cắt khúc. Ngoài xôi ra chúng tôi còn cúng rượu được nấu từ nước đường và sả đập dập. Đồ lễ dùng cúng cần có cả trái đu đủ non được bổ làm 3-4 phần rồi đem hông chín. Những vật lễ này mang ý nghĩa cầu mong thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia chủ được bình an, no đủ…”

Lễ cúng rằm của người Mường thường làm ở hai nơi là bàn thờ gia tiên và cúng ngoài sân, ngoài cổng cho ma đói, ma khát. Trước khi cúng tạ ma nhà thì phải cúng ma đói, ma khát trước để “họ” được ăn rồi thì mới không phá phách tranh cướp miếng ăn, đồ tế với ma nhà. Cúng xong, chủ nhà rải đồ lễ ra ngoài cổng để các linh hồn không nơi nương tựa được hưởng lộc.

Tục cúng Rằm tháng Bảy của người Mường hiện nay vẫn rất được coi trọng như nghi lễ xá tội vong nhân hay lễ Vu Lan của người Kinh.

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.