Multimedia Đọc Báo in

Người gìn giữ "báu vật" gia truyền ở buôn Hra A

17:05, 19/11/2017
Chiều muộn, trong căn nhà sàn nhỏ ở buôn Hra A (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), già Y Cúc Niê đang tỉ mẩn lau chùi những bộ chiêng, ché cổ. Đối với ông, đó là báu vật của dân tộc và phải gìn giữ chúng đến muôn đời.

Mặc dù đã ở tuổi 77 nhưng già Y Cúc Niê vẫn một thân một mình, không vợ con, đôi chân của ông bị tật từ nhỏ nên đi lại có đôi chút khó khăn. Tuy vậy, cuộc sống của ông không những không buồn tẻ mà còn luôn đầy sức sống với những “bảo vật” hiện hữu trong căn nhà sàn nhỏ. Hằng ngày, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng ông đang lau chùi chiêng, ché, trống; mỗi lần như vậy ông lại thủ thỉ trò chuyện và coi chúng như người bạn tâm tình, tri kỉ của mình. Hiện ông đang lưu giữ 1 bộ chiêng quý gồm 10 chiếc và 20 chiếc ché cổ quý do bố mẹ để lại, ngoài ra chiếc trống cổ hơn 100 tuổi cũng được ông nâng niu coi trọng. Trong gian nhà nhỏ, chiêng, ché, trống được xếp đặt ngay ngắn và rất sạch sẽ, luôn là tâm điểm đập vào mắt người nhìn khi bước vào nhà. Nhiều năm trôi qua, có lúc cuộc sống của ông vô cùng túng thiếu và đã có nhiều thương lái tìm đến hỏi mua chiêng, ché, trống với giá rất cao nhưng ông nhất quyết không bán.

Ông Y Cúc Niê bên những “báu vật” gia truyền.
Ông Y Cúc Niê bên những “báu vật” gia truyền.

Khi trong buôn có lễ hội, mọi người thường đến mượn cồng chiêng của ông. Nhờ đó, ở buôn Hra A âm vang tiếng cồng chiêng được ngân vang mãi. Theo ông, thời kháng chiến, gia đình và buôn làng ông phải di cư ra đèo Hà Lan, sau 5 năm mới quay trở lại đây, bởi thế mà rất nhiều vật quý đã bị mất đi. Trước đây, gia đình ông còn một chiếc ghế K’pan gần trăm tuổi dùng để đặt trống nhưng giờ chiếc ghế đã không còn bởi chiến tranh ác liệt. Căn nhà sàn cổ được làm lại vào năm 1968, tuy đã được sửa sang theo thời gian, không còn nguyên bản, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống, bởi thế, nhà của ông thường được chính quyền mượn để tổ chức các lễ hội. Đây cũng là điểm dừng chân của các đoàn tham quan, nghiên cứu văn hóa dân tộc mỗi khi có dịp đến nơi này.

Tuy sống trong cảnh “ lẻ loi đơn chiếc” nhưng trong ông luôn đau đáu nỗi niềm về việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông mong muốn sau này khi mình già yếu sẽ truyền lại những báu vật này cho cháu chắt, để chúng thay ông gìn giữ và luôn nhớ tới cội nguồn gốc rễ của dân tộc mình. 

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.