Multimedia Đọc Báo in

Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016:

Vận động bầu cử phải trong khuôn khổ của pháp luật

16:21, 05/04/2011

Hiện nay quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã qua vòng hiệp thương lần hai, đã có danh sách sơ bộ  những người ứng cử. Trong thực tế, việc vận động bầu cử cũng đã diễn ra và không ít người băn khoăn tự hỏi: Người ứng cử có được vận động bầu cử không? Vận động bầu cử như thế nào là không vi phạm pháp luật?

Trước hết phải khẳng định rằng, việc vận động bầu cử của người ứng cử là một hoạt  động được pháp luật cho phép và phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Điều 52 của Luật Bầu cử  đại biểu Quốc hội và điều 46 của Luật Bầu cử  đại biểu HĐND đã  quy định về quyền vận động bầu cử của người có tên trong danh sách ứng cử. Theo đó, vận động bầu cử của người ứng cử được hiểu là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri;
- Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi  ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố  cáo;
- Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử;
- Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình;
- Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà  nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri;
- Việc vận động bầu cử phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu 24 giờ và  không được vận động bầu cử tại phòng bỏ  phiếu.

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử  tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức; trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác. 

Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử  bao gồm:
- Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;
- Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;
- Người ứng cử và cử tri trao đổi về  những vấn đề cùng quan tâm;
- Người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử  tri.

Như  vậy, vận động bầu cử là một hoạt  động phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp. Một trong các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là  phải gương mẫu chấp hành pháp luật do đó trong vận  động bầu cử, người ứng cử cũng cần phải gương mẫu chấp hành đúng quy định. Người vận động bầu cử mà có hành vi vi phạm pháp luật thì chính là đã khước từ lá phiếu cử tri đối với mình ngay trong quá trình vận động.

 

Trương Thị Hiền

 

 


Ý kiến bạn đọc