Multimedia Đọc Báo in

Khám phá thắng cảnh Bằng Am

18:55, 23/02/2019

Mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và đậm nét văn hóa tâm linh, thắng cảnh Bằng Am thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo Địa chí Đại Lộc (Nxb Đà Nẵng năm 2000): “Bằng Am là tên gọi của một vùng đất gắn liền với loài cây thông. Đặc biệt nơi đây có một am nhỏ thờ tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát và một tấm bia ghi bài thơ ca ngợi thắng cảnh Bằng Am có từ thời vua Thành Thái và nấm mồ gắn với nhiều câu chuyện truyền miệng, nhiều truyền thuyết, giai thoại hấp dẫn của nhà ẩn sĩ Tùng Sơn tiền nhân. Do mặt bằng khá bằng phẳng lại có cái am của nhà ẩn sĩ Tùng Sơn nên người dân địa phương nơi đây đặt cho địa danh này tên là Bằng Am”.

Bằng Am cách thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An (Quảng Nam) khoảng 45 km về hướng tây bắc, dọc chân Bằng Am là tuyến xuyên Á, Quốc lộ 14B nối đường Hồ Chí Minh. Để đến được Bằng Am, từ Quốc lộ 14B cách bờ Nam đầu cầu Hà Nha khoảng 300 m, du khách đi theo một con đường bê tông mới mở dẫn qua những vách núi cheo leo và con dốc dựng đứng, cao vút ngoằn ngoèo chừng 12 km. Nằm trải dài dưới dãy núi Am Thông sừng sững, thung lũng Bằng Am bằng phẳng, rộng mênh mông hiện ra với không gian khoáng đạt, cây cỏ và mây trời khiến du khách quên hết mọi vất vả, mệt nhọc.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở thắng cảnh Bằng Am.    Ảnh: vnexpress.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở thắng cảnh Bằng Am. Ảnh: vnexpress

Bằng Am có khí hậu rất lý tưởng, ban ngày thời tiết mát mẻ, ban đêm se lạnh. Nhiệt độ trung bình ở đây luôn thấp hơn những vùng xung quanh khoảng 100 C, lại có rừng nguyên sinh với nhiều thảm thực vật phong phú nên rất thích hợp với các loại hình du lịch khám phá. Núi Am Thông là một dãy núi đá vôi cao khoảng 830 m so với mực nước biển và đỉnh núi Am Thông từ lâu được ví như cổng trời của huyện Đại Lộc, vào mùa hè lộng gió, mát mẻ chẳng khác nào Đà Lạt hay Bà Nà của Đà Nẵng.

Thảm thực vật tươi tốt ở thung lũng Bằng Am tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, với màu xanh bao phủ của thảm cỏ mịn màng như nhung, được điểm tô bởi một vài loài dương xỉ, địa lan, cây chổi, bụi sim và những gốc thông lá kim già cỗi. Xa xa là khu rừng già nguyên sinh trùng điệp. Đỉnh núi Am Thông còn dựa vào ba quả đồi nhỏ với các khe Lim, khe Hóc, khe Hung và khe nước Đỏ bắt nguồn từ rừng nguyên sinh quanh năm nước chảy trong xanh, cắt ngang qua đỉnh núi Am Thông đổ xuống thành những thác nước trắng xóa tuyệt đẹp, rồi chảy ra hòa vào dòng sông Vu Gia xuôi về cửa biển Hội An.

Ở thung lũng Bằng Am, du khách có thể cắm trại qua đêm để tận hưởng và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây vào những thời khắc khác nhau trong ngày. Vào sáng sớm, ngước mắt nhìn lên trời cao du khách sẽ được ngắm nhìn những đám mây trắng xóa, bồng bềnh trôi nhè nhẹ. Đứng giữa lòng Bằng Am hướng tầm mắt xuống chân núi, bạn sẽ nhìn thấy những đám mây trắng bay lãng đãng như quyện vào dòng sông Vu Gia uốn lượn. Buổi trưa, cả thung lũng lấp lánh những vạt nắng vàng. Khi màn đêm buông xuống, thung lũng được điểm tô bởi ánh trăng vàng và hàng triệu vì sao chớp nháy trên bầu trời. Giữa lòng bao la của thung lũng này, du khách còn nghe thấy tiếng gió vi vu, tiếng suối chảy róc rách hay âm điệu rỉ rả của những loài côn trùng.

Dạo quanh Bằng Am, bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, du khách hãy dừng bước nơi am nhỏ thờ tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, chiêm ngưỡng tấm bia cổ ghi bài thơ ca ngợi thắng cảnh Bằng Am có từ thời vua Thành Thái và nghe kể về những truyền thuyết, giai thoại về nhà ẩn sĩ Tùng Sơn. Cùng tĩnh tâm, lắng lòng lại và tìm thấy những ý nghĩa của cuộc sống.

                                                                            Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.