Multimedia Đọc Báo in

Bánh cuốn nóng Cao Bằng níu chân du khách

14:03, 03/03/2019

Vào xã Ea Tam (huyện Krông Năng) lập nghiệp, người Tày, Nùng luôn mang theo, gìn giữ nhiều nét văn hóa dân tộc mình, từ những bộ áo chàm, cây đàn tính, điệu hát then…và cả món bánh cuốn nóng thơm lừng, ăn một lần nhớ mãi.

Một lần vào xã Ea Tam tham dự Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc, chúng tôi được người dân nơi đây giới thiệu về món bánh cuốn nóng và khuyên nên thưởng thức nếu không sẽ phí cả chuyến đi.

Tò mò, chúng tôi ghé vào quán bánh nằm ngay trung tâm xã, lúc này có cả chục thực khách đang ngồi đợi. Bên bếp lửa đỏ rực, chị chủ quán Nguyễn Thị Vân (người Tày) thoăn thoắt lặp đi lặp lại các thao tác tráng bánh: đổ bột gạo lên tấm vải buộc căng trên nồi, đậy nắp lại chờ bánh chín thì đem ra bỏ thêm ít thịt bằm rồi cuốn lại; ai muốn ăn thêm trứng gà thì đập trực tiếp vào lá bánh cho chín tái. Mặc cho mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt, chị vẫn đon đả nở nụ cười, cuốn bánh, múc nước xương hầm phục vụ khách.

Chị Vân tráng bánh phục vụ khách.
Chị Vân tráng bánh phục vụ khách.

Dù phải đợi khá lâu nhưng thực khách không hề phàn nàn, kiên nhẫn chờ để thưởng thức bằng được món bánh cuốn nóng hổi vào buổi sáng.

Anh Nông Văn Nìn (nhà ở xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, món bánh cuốn phải ăn nóng mới ngon. Đây là món ăn sáng quen thuộc ở quê (Cao Bằng) nên những lúc nhớ nhà hoặc đi tham gia lễ hội truyền thống dân tộc anh đều ghé ăn cho ấm lòng.

Khoảng 10 phút chờ đợi, trước mặt chúng tôi là một đĩa bánh cuốn bên cạnh tô nước xương hầm hấp dẫn. Cắn một miếng bánh cuốn thơm lừng, húp thêm ngụm nước dùng đậm đà nóng hổi, rồi nhấp nhẹ một quả mắc mật vàng um muối chua. Các hương vị ngọt từ xương, béo trong trứng gà, mùi thơm của rau hành, vị ớt cay cùng vị chua của quả mắc mật... hòa quyện với nhau, tạo nên một món ăn thú vị khó quên.

Món bánh cuốn nóng dân dã đầy hấp dẫn.
Món bánh cuốn nóng dân dã đầy hấp dẫn.

Chị Vân cho hay, hơn 30 năm rời quê vào Ea Tam sinh sống, gia đình vẫn làm món bánh này bán cho người dân vào buổi sáng.

Công thức, nguyên liệu làm bánh thì nhiều người biết, song để tạo ra món bánh thơm ngon đúng vị quê nhà thì phải có bí quyết riêng. Yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng bánh là hạt gạo ngon (thường là gạo tẻ Cao Bằng) mới cho ra tấm bánh trắng tinh, dai, mịn có mùi thơm đặc trưng. Tiếp đến là nước canh xương hầm ăn cùng bánh cuốn phải hầm thật nhừ (từ 4-5 tiếng) vớt hết bọt, chỉ còn tủy xương sau đó nêm gia vị cho thật đậm đà. Khách ăn tới đâu, chủ quán tráng bánh tới đó thì mới giữ trọn hương vị thơm ngon đặc biệt của bánh cuốn.

Trong xã Ea Tam có tới 8 quán bánh cuốn nóng, nhưng sáng nào cũng đông nghẹt khách, nhất là những ngày cuối tuần, dịp lễ hội… Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản Việt Bắc cho người dân và du khách gần xa, đầu năm 2019 nhà chị Vân xây thêm lò, gọi thêm người phụ tráng bánh để bán luôn cả ngày. Bởi không riêng gì người trong xã mà nhiều khách phương xa cũng thích món ăn này.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.