Du ngoạn Cù lao Mây
Cù lao Mây là tên cũ của cù lao Lục Sĩ Thành thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Cù lao có diện tích khoảng 4.000 ha, dài 20 km, ngang từ 800m – 2.500 m, có nhiều cồn, bãi nổi lên bao bọc chung quanh, kênh rạch chằng chịt.
Theo sử nhà Nguyễn, giữa thế kỷ 18, lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu ở phương Nam, khi xuôi theo sông Hậu, từ xa trông thấy một dải đất trông giống như áng mây mờ ảo, bềnh bồng trên mặt nước, Nguyễn Ánh đã đặt tên cho cù lao này là Vân Châu - Vân có nghĩa là mây, Châu là cù lao; dân gian gọi là Cù lao Mây. Trong những năm 1906 - 1908, người Pháp đào kênh Măng Thít nối sông Tiền với sông Hậu, khai thông con đường thủy từ Cà Mau lên Sài Gòn đi ngang qua Cù lao Mây.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng lấy tên của một chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã hy sinh đầu tiên tại đây đặt tên là xã Lục Sĩ Thành. Lục Sĩ Thành tham gia Cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Nam bộ. Ngày 12-10-1946, Lục Sĩ Thành chỉ huy đánh đồn Cù lao Mây gây thiệt hại nặng cho địch và ông đã hy sinh trong trận này. Tháng 2-2010, Lục Sĩ Thành đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Du khách đến chợ Trà Ôn, qua con phà nhỏ sang đất Cù lao Mây. Bạn có thể đi xe đạp hoặc xe máy dạo quanh vùng đất trù phú với những vườn cây bạt ngàn, những vườn bưởi, cam sành, chôm chôm, măng cụt, vú sữa… trái sai trĩu cành. Trên đường làng thường có những quán giải khát sân vườn, du khách có thể tùy ý dừng chân uống nước dừa xiêm hoặc chanh, cam vắt, ăn trái cây, đu đưa trên cánh võng thư giãn, ngắm tàu, ghe xuôi ngược trên dòng sông bát ngát.
Khung cảnh Cù lao Mây. |
Đi thuyền nhỏ len lỏi trong những con rạch hai bên xanh um bần cũng rất thú vị. Những con rạch ăn thông nhau, tạo thành một hệ thống sông rạch chi chít, sông liền sông, vườn nối vườn, thi thoảng xuất hiện bóng dáng các cô thôn nữ bơi xuồng tóc vờn bay trong gió, điểm xuyết cho cảnh vật Cù lao Mây thêm hữu tình, quyến rũ!
Đi bộ trên đường làng, qua những cây cầu khỉ cheo leo là một trải nghiệm thú vị đối với những ai chưa từng loại cầu dân gian thô sơ từng có thời là phương tiện bắc qua sông rạch rất phổ biến ở miền quê Nam bộ. Những cây cầu này hiện nay được giữ lại chỉ để phục vụ cho nhu cầu tham quan, du lịch sinh thái.
Du khách cũng có thể dừng lại ở những làng nghề bánh tráng, tận mắt thấy sự cần cù, khéo léo của những phụ nữ chân quê làm ra những chiếc bánh thơm, ngon cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. Ngoài bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng dẻo, gần đây, nhiều hộ sản xuất ở Cù lao Mây còn phát triển thêm nhiều loại bánh mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, như bánh tráng nướng dừa béo, bánh tráng nướng tôm khô, bánh tráng nem lá dứa, bánh tráng củ dền… Khi mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa rút, lau sậy nở trắng đồng bưng, làng nghề bánh tráng Lục Sĩ Thành cũng nhộn nhịp hẳn lên, chuẩn bị cho vụ sản xuất bánh tráng Tết bởi đây là mùa mà sản phẩm bánh tráng được xuất đi khắp nơi mang về nhiều lợi nhuận cho bà con. Khách hàng ưa chuộng bánh tráng Cù lao Mây bởi hương vị đặc trưng, bánh khi ăn mềm dẻo, vị mặn vừa, gói với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm me hay tương xay ăn rất hấp dẫn, làm nên nét đậm đà, độc đáo của ẩm thực đồng bằng.
Làng bánh tráng ở Cù lao Mây. |
Cù lao Mây còn có Di tích văn hóa đình Hậu Thạnh được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Bổn cảnh năm 1852. Mỗi năm vào ngày 16 tháng Tư âm lịch, lễ hội cúng đình Hậu Thạnh diễn ra rất trang nghiêm, long trọng, thu hút đông đảo nhân dân và khách các nơi về tham quan, cúng bái, vui chơi, viếng cảnh tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Về miền Tây, đến với những cù lao trên sông Hậu, du khách sẽ có được cảm giác mới lạ, được khám phá những miền đất với nhiều truyền thuyết từ thời tiền nhân ta khai mở đất phương Nam. Cù lao Mây là điểm đến hấp dẫn sẽ làm cho du khách nhớ mãi vùng đất này.
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc