Rừng cây trong thành phố miền sông nước
Điều thú vị trước hết là khá nhiều tuyến đường trong nội đô thành phố Trà Vinh rợp bóng cây xanh. Hai bên đường phố, cạnh những hàng cây mới vươn cành, vừa giao tán xanh non còn có những cây cổ thụ gốc rễ xù xì, tán đan vào khoảng không những chiếc lọng xanh ngắt chất chứa bao mùa nắng mưa. Vừa bảo tồn vừa phát triển, cây cũ và cây mới đan xen, dệt nên lá phổi xanh lọc nắng lọc gió, lọc cả ồn ào khói bụi, mang lại sự mát lành cho mỗi con đường, góc phố.
Hàng cây cổ thụ trên đường phố Trà Vinh. |
Điều thú vị nữa là sự đa dạng sinh học được bổ sung khi rừng cây trong phố mang theo cả đàn chim về làm tổ, cả những chú sóc thoăn thoắt leo trèo trên những thân cây xù xì sắc nâu. Giữa phố phường đông vui, lắng nghe tiếng chim ríu ran chuyền cành dưới tán cây như rừng cổ thụ, bất giác tôi tự hỏi điều gì đã làm nên điều thú vị, quý giá ấy.
Phải chăng dòng sông Tiền, sông Hậu bao quanh là mạch nguồn bao đời tưới tắm cho những tầng tầng lớp lớp màu xanh. Nhưng hơn thế, mạch nguồn ở đây chính là tình yêu của mỗi người dân với thiên nhiên, với mảnh đất mình sinh sống. Tình yêu ấy ngấm vào máu thịt một cách tự giác, tự nhiên, nên các đường phố bên cạnh tên gọi được đặt theo tên danh nhân, anh hùng hay sự kiện lịch sử nhưng khi trò chuyện, người dân vẫn thường nhớ và gọi theo tên cây được trồng nhiều trên con đường ấy, như đường cây sao, đường cây bằng lăng, cây me…
Trong câu chuyện với lãnh đạo Báo Trà Vinh, tôi cũng cảm nhận được tình yêu ấy khi nghe các anh chị tự hào giới thiệu vanh vách số lượng, chủng cây xanh toàn thành phố, đặc biệt trìu mến khi nói về những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với tường tận tên, tuổi, địa chỉ, đặc điểm, sức khỏe của từng cây.
Đường phố Trà Vinh rợp bóng cây xanh. |
Qua đó, tôi hiểu hơn câu chuyện của một đồng nghiệp kể rằng, ở thành phố này cây xanh lại được coi là báu vật, được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận theo đúng quy chế của tỉnh. Trong tiến trình phát triển, cũng như mọi thành phố khác, Trà Vinh ngày càng mở mang, xây dựng thêm nhiều công trình, nhưng dù loại hình nào thì khi lên kế hoạch xây dựng và triển khai thi công, mọi công trình đều phải bám theo tinh thần là “né” cây xanh, nhường chỗ cho cây xanh phát triển tự nhiên, trong sự phát triển của đô thị có sự phát triển của cây xanh. Để bảo đảm sự phát triển hài hòa này, tất nhiên là phải tính toán rất kỹ, nhiều khi phải đặt ra nhiều phương án, mất nhiều công sức, đơn cử như làm sao để đào ống nước không phạm vào rễ cây, xây bờ tường không chặn vào cành cây, kéo đường dây không vướng vào tán cây… Nhưng những bài toán khó đều được giải khi mọi người đều có tình yêu và ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, với sự phát triển bền vững của chính nơi mình đang sống.
Nhờ vậy, thành phố vẫn được mở mang, mà cây xanh vẫn được bảo tồn, nhất là những cây cổ thụ, cây xanh trở thành một phần quan trọng của những con đường, của thành phố. Rừng trong phố không chỉ có tác dụng che bóng mát, điều hòa không khí mà còn làm nên vẻ đẹp và cả nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây suốt dặm dài thời gian.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc