Trăm năm nhà cổ Cai Cường
Nếu như Bến Tre có nhà cổ Huỳnh Phủ vang danh cả nước; Đồng Tháp được biết đến với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê; Bạc Liêu với nhà cổ của công tử Bạc Liêu; Cần Thơ với nhà cổ Bình Thủy, Long An có nhà cổ 100 cột… thì Vĩnh Long cũng tự hào với nhà cổ Cai Cường rất nổi tiếng với du khách gần xa.
Nhà cổ Cai Cường ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) được xây dựng vào năm Ất Dậu 1885, đến nay đã 135 năm tuổi. Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Phạm Văn Bốn, tên thường gọi là Cường, hồi xưa làm chức cai tổng nên người ta gọi là Cai Cường; có người còn gọi ngôi nhà này là nhà cổ Cái Muối bởi được xây dựng bên con rạch nhỏ cùng tên.
Ngôi nhà là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Việt và Pháp. Nhà được xây dựng kiểu chữ đinh, hàng cột cái gỗ lim cao đến 6 m được chủ nhà mua về từ Campuchia. Đây là dạng thiết kế “nội ứng ngoại hợp”, tức là nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, còn ngoại thất kiến trúc bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.
Nhà cổ Cai Cường. |
Phong cách Pháp thể hiện rõ ở phần mái chóp, mặt tiền và sàn lót gạch bông Pháp. Các cột hành lang tạo kiểu truyền thống “tam quan tứ trụ” mỗi gian nhưng kết hợp với vòm vòng cung, lan can con tiện “lục bình” kiểu phương Tây. Trang trí đầu cột và vòm dùng hoa lá ô rô (Acanthus), phù điêu chùm nho kiểu thức phương Tây trang trí trên tường và mảng tròn tường đầu hồi bên ngoài nhà. Nhà chính ba gian chiều ngang khoảng 15 m, chiều sâu nhà khoảng 13 m, phần hiên rộng 2 m.
Nhà cổ Cai Cường được phân chia làm ba phần: trước, giữa và sau. Phần trước và phần giữa là nơi gia chủ đặt bàn ghế tiếp khách và thờ tự; phần sau là buồng ngủ. Giữa nhà treo tấm hoành phi chữ Hán “Phạm Phủ Đường”, hai gian còn lại cũng có treo bảng đại tự sơn son thếp vàng. Chân cột cái gian giữa có đôi rồng chạm khắc bằng gỗ cao khoảng 0,9 m, đối xứng giống như đang chầu theo kiểu thức “lưỡng long chầu nhật nguyệt” làm đế đỡ cho phần bao lam bên trên, hai gian hai bên cũng có phần đế đỡ giống như vậy nhưng hình tượng là đôi lân với đồng tiền theo kiểu thức “lân hí cầu” trông thật sinh động. Ngôi nhà có hệ bao lam, hoành phi và khám thờ đều được sơn son thếp vàng tinh xảo và rực rỡ.
Nội thất ngôi nhà gồm có ba tủ thờ cẩn xà cừ với các điển tích xưa. Bộ ghế trường kỷ dài gần 2 m, bên phải là bộ ván (bộ ngựa) gỗ dày, ba tủ gỗ trên đầu trang trí kiểu thức phương Tây. Bên trái có bàn tròn đường kính mặt khoảng 1 m, có ba chân chạm khắc đầu rồng, trụ kiểu con tiện to chắc. Nhà sau là buồng ngủ, có cửa thông ra sau vườn, hai buồng ngủ hai bên đối xứng nhau với vách bao toàn bộ bằng gỗ lim, khung cửa phòng chạm khắc tỉ mỉ theo thức phương Tây, cửa ốp gương lớn giống như hai cửa buồng.
Du khách thưởng thức đờn ca tài tử ở nhà cổ Cai Cường. |
Ông Hoài Phương, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét: “Đây là một trong những ngôi nhà hiếm hoi còn lại giữ được hồn cốt Nam Bộ xưa pha lẫn nghệ thuật kiến trúc đa dạng của Pháp. Tất cả hiện vật đều toát lên những thông điệp gợi lên nền văn hóa sông nước Nam Bộ, gợi mở những hình tượng về nền văn minh lúa nước, về lịch sử mở cõi của người xưa. Thêm vào đó các thế hệ nối tiếp nhau của gia chủ đã bảo quản rất tốt hầu như toàn bộ hiện vật quý hiếm để các du khách có thể chiêm ngưỡng, tham quan”.
Những năm gần đây, nhà cổ Cai Cường đã trở thành điểm dừng chân của rất nhiều du khách trong và ngoài nước, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá rất cao. Đến đây, du khách tha hồ chiêm ngưỡng những cổ vật xưa, những nét kiến trúc lạ thường, tinh túy được bố trí hài hòa; thỏa sức khám phá vườn trái cây với rất nhiều loại cây trái. Nhiều du khách còn chọn ngủ đêm tại phòng ngủ của chủ nhân xưa để nghe tiếng sông, tiếng gió, tiếng chim hòa lẫn; để được thưởng thức những bản đờn ca tài tử “mùi” đến nao lòng mà nhớ về các bậc tiền nhân mở cõi phương Nam.
Trương Thanh Liêm
Ý kiến bạn đọc