"Xứ sở của những âm điệu"...
Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam vào tháng 7-2020.
Công viên Địa chất Đắk Nông hiện có 3 tuyến du lịch độc đáo, gồm: “Trường ca của lửa và nước”, “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ trái đất” và 44 điểm di sản; trong đó, Nhà Triển lãm âm thanh nằm trong hệ thống các điểm du lịch thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, là điểm nhấn của tuyến “Âm vang từ trái đất”.
Với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”, Nhà Triển lãm âm thanh được xây dựng tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông với tổng diện tích 200 m² chia làm 8 gian (mỗi gian 25 m²) . Đây là nơi hội tụ những âm thanh với các chủ đề khác nhau, lấy cảm hứng từ ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), đó là là âm thanh của gió, nước, gỗ, lửa và âm thanh cuộc sống hằng ngày của con người; được hình thành từ ý tưởng của Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất UNESCO, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và được thiết kế, thi công bởi nhóm nghệ sĩ đến từ Pháp sáng tạo dành riêng cho Công viên địa chất Đắk Nông.
Nhà triển lãm trưng bày nhiều loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như: Trống, đing năm, m’buốt, đing tac tar, r’let… của dân tộc M’nông, Êđê, Mạ cùng nhạc cụ của các dân tộc trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, còn có các tác phẩm nghệ thuật tương tác đầy tính nhạc lấy cảm hứng từ thiên nhiên qua ứng dụng công nghệ điện tử và sự tiếp xúc của con người.
Sự tương tác giữa hình ảnh, âm thanh và lực từ tay sẽ phát ra những âm thanh sinh động từ những hòn đá. |
Phòng trưng bày “Âm thanh của đá” trưng bày bộ đàn đá Đắk Kar được phát hiện vào tháng 6-1993 trong đợt khảo sát đời sống văn hóa của nhân dân xã Quảng Tín (nay thuộc huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) do Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk tiến hành. Bộ đàn đá Goong Lú (tức là cồng đá) dùng vào việc cúng thần trong các lễ hội lớn của bon làng, gồm có 3 thanh là tru, trơ và tê (mẹ, cha và con), có niên đại khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I (trước Công nguyên). Đặc biệt, tại phòng trưng bày này, du khách có thể gõ nhẹ lên trên những thanh đá, sự tương tác giữa hình ảnh, âm thanh và lực từ tay gõ vào sẽ phát ra những âm thanh sinh động, là một tác phẩm nghệ thuật tương tác trực quan và đầy tính nhạc. Đồng thời, tại đây còn trưng bày những nhạc cụ bằng nguyên liệu hết sức thô sơ như quả bầu, đoạn lồ ô, trúc, tre, nứa với những chất liệu riêng biệt, có hình dáng, âm thanh khác nhau như đing năm (Êđê) và m’buốt (M’nông) được làm từ các ống trúc dài ngắn khác nhau gắn trên một quả bầu khô. Đing tac tar (Êđê) được làm từ một đoạn ống trúc dài cắm xuyên qua quả bầu khô; r’let (M'nông, Mạ) được làm từ một đoạn ống nứa nhỏ... Các nhạc cụ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng chứa đựng tâm tư, tình cảm của đồng bào M’nông và Êđê sinh sống tại tỉnh Đắk Nông.
Những đoạn tre kết hợp với thế năng của dòng nước tạo nên một nhạc cụ độc đáo. |
Trong không gian “Âm thanh của gỗ” trưng bày các nhạc cụ dùng trong lễ hội, trong sinh hoạt văn hóa, nguyên liệu chủ yếu được làm từ gỗ. Mỗi nhạc cụ đều được bố trí các dây phía trên, tạo ra âm sắc riêng biệt như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn thân tre, đàn hộp, đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn tì bà…
Cuối cùng là phòng “Âm thanh của chúng ta” là hệ thống nghệ thuật tương tác bằng âm thanh và ánh sáng giữa cơ thể và làn da của chính chúng ta được thực hiện bởi hai người trở lên. Ban đầu cơ thể chúng ta là nguyên bản, nhưng sau đó được chuyển hóa thành một nhạc cụ có thể phát ra âm thanh.
Có thể nói, Nhà Triển lãm âm thanh không chỉ là nơi trưng bày mà còn là một hành trình khám phá những âm thanh mộc mạc từ các nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ hiện đại qua trí óc của người nghệ sĩ. Đây là bảo tàng âm thanh duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại, mang đến những trải nghiệm mới lạ và thú vị cho du khách khi đến với Công viên địa chất Đắk Nông.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc