Multimedia Đọc Báo in

Khám phá hồ Ðại Ninh và nghe chuyện làng Gà ở Ðarahoa

09:07, 21/03/2021

Cách thành phố Đà Lạt 40 km về phía Nam, nằm cận Quốc lộ 20, hồ Đại Ninh là một hồ nước ngọt lớn ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Hồ có diện tích chừng 4.000 ha và đang được sử dụng để làm hồ thủy điện. Hồ có hệ sinh thái thực vật, động vật phong phú và cảnh quan thiên nhiên quanh hồ thơ mộng, hữu tình.

Hồ Đại Ninh tích nước sông Đa Nhim và cung cấp nước cho nhà máy điện tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Thủy điện Đại Ninh chuyển nước từ sông Đa Nhim thuộc lưu vực sông Đồng Nai sang lưu vực sông Lũy nên tạo được cột nước cao phát điện và thực hiện cấp nước cho vùng Bắc Bình Thuận. Ngoài chức năng sản xuất thủy điện, hiện nay hồ Đại Ninh và khu vực xung quanh đã dần hình thành nên một quần thể du lịch, nghỉ dưỡng phía Nam Đà Lạt với nhiều điểm nhấn hấp dẫn như: Thác Bảy Tầng (Pongour), thác Bảo Đại, hồ Đại Ninh, làng Gà...

Trong đó, hồ Đại Ninh nổi bật lên bởi sinh cảnh non nước hữu tình, khí hậu mát mẻ. Vùng phụ cận hồ có các làng, bản người dân tộc thiểu số vẫn còn giữ bản sắc văn hóa độc đáo. Du khách có thể thuê một phòng nhỏ gần hồ hoặc homestay nhà dân gần đó để khám phá phong cảnh hồ Đại Ninh.

Đi dạo quanh hồ săn tìm, hái những loài hoa dại cũng là một thú vui mà nhiều chị em rất thích. Nhiều nhất vẫn là hoa dã quỳ, thường nở rộ chừng một tháng sau mùa mưa ở Tây Nguyên (khoảng tháng 11). Bạn sẽ thấy một màu vàng rực dã quỳ miên man trên những con đường đất đỏ, những lối mòn quanh co trong thôn bản, hàng rào trước sân nhà... Bên cạnh đó, còn có hoa trâm ổi, hoa mua, hoa sim, bằng lăng thường mọc ở ven hồ, suối, khe nước, trên đồi... Phong cảnh quanh hồ Đại Ninh thật hoang sơ, nên thơ, đầy lãng mạn...      

Hồ Đại Ninh.
Hồ Đại Ninh.

Từ hồ Đại Ninh đi về phía TP. Đà Lạt theo Quốc lộ 20 chừng 20 km, tiện đường du khách hãy ghé thăm làng Gà, tục danh của làng K’Long.

Làng Gà thuộc thôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, cách thành phố ngàn hoa Đà Lạt khoảng 15 km về phía Tây Nam, nổi tiếng với tượng chú gà trống độc đáo có 9 cựa, cao hơn 10 m, nặng 8 tấn. Trước đây, một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nảy sinh ý tưởng làm một hồ tích nước gắn từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tượng Gà chín cựa ở làng K’Long dưới chân cao nguyên Lâm Viên được nhà điêu khắc nổi tiếng Lữ Trúc Phương thiết kế, thi công. Dự kiến sẽ có thêm công trình Ngựa chín hồng mao đặt ở trung tâm xã Đa Nhim, tuy nhiên do không có kinh phí nên ý tưởng ấy đã sớm lụi tàn.

Tượng gà chín cựa ở làng K'Long.
Tượng gà chín cựa ở làng K'Long.

Công trình chú gà trống 9 cựa ban đầu là công trình tích nước phục vụ dân sinh cho bà con dân tộc thiểu số, được xây dựng vào năm 1978. Nước được dẫn từ trên núi dẫn về hồ chứa nước có hình dạng giống hai quả bầu - là biểu tượng văn hóa phồn thực, thể hiện sự sung túc theo quan niệm của người dân địa phương, hồ lúc ấy còn có hệ thống phun nước, có những vòm đá xây trong lòng hồ có lẽ dùng để vừa trang trí, vừa làm cầu đi lại. Chú gà trống bệ vệ ngự trên bệ đá cao, bụng rỗng, có thêm một cái trụ chống phụ tải... Về sau, bà con được đầu tư đường ống dẫn nước về nhà nên công trình hồ thủy lợi chỉ dùng để lấy nước tưới. Thời gian sau, hồ nước bị hư hỏng, không tích nước được… Hiện nay dấu vết còn lưu lại là bể chứa nước  loang lổ, vài vòm xây bằng đá sụp vỡ, và chú gà 9 cựa khổng lồ vẫn còn đứng hiên ngang, bệ vệ như chứng nhân của thời gian         

Đến với làng Gà, du khách còn nghe được câu chuyện kể về tập tục bắt chồng của các bản làng dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ xưa kia ở Tây Nguyên. Chuyện kể rằng, Hơ Klan - một cô gái đẹp của thôn đã bỏ làng đi vào rừng sâu và không thấy trở về, cô thất tình, đau khổ vì không có đủ lễ vật để cưới người mình yêu! Gia đình nhà trai yêu cầu lễ vật cưới phải có một con gà 9 cựa. Vì quá yêu, Hơ Klan băng rừng lội suối để tìm lễ vật.  Một thời gian sau, dân làng tìm thấy xác cô gái trên núi cao…

Mai Lý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.