Vãn cảnh chùa "hàng còng"
Không như những ngôi chùa cổ khác tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) là thường có rất nhiều các loại cây dương, sao, gừa... tạo vẻ tĩnh lặng, thâm u, hoài cổ, ngôi chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (theo tiếng Khmer có nghĩa là “ngôi chùa ở giữa núi”) tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) lại trồng hàng trăm cây còng.
Hàng còng có tuổi đời trên 50 năm luôn được nhà chùa và người dân địa phương chăm sóc, bảo quản, phát triển xanh tốt tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của ngôi chùa nơi vùng biên.
Theo những người cao niên ở địa phương, ngôi chùa Khmer này thường được người dân nơi đây gọi là chùa “hàng còng”. Cây còng còn có tên là me tây, muồng tím, muồng ngủ... là loại cây dễ trồng, tán to, chịu hạn lẫn mưa dầm rất tốt. Trẻ con rất thích đến đây vui đùa do có nhiều bóng mát cùng không khí yên ả, thanh bình.
Đường vào chùa “hàng còng”. |
Theo nhiều tư liệu của nhà chùa còn lưu giữ thì chùa “hàng còng” được xây dựng vào năm 1608 trên một gò đất cao có rất nhiều cây bưởi rừng. Do bưởi quá nhiều gai nhọn nên muốn vào chánh điện của chùa khá vất vả. Năm 1965, sư cả trụ trì chùa lúc ấy là Hòa thượng Khunh Sa Ríth đã vận động phật tử hiến đất ruộng để nhà chùa làm đường đi. Khi con đường hoàn thành, hòa thượng đã cho trồng rất nhiều cây còng để tạo cảnh quan và bóng mát.
Chánh điện chùa “hàng còng”. |
Có một câu chuyện khá lý thú về những hàng còng là khi sắp viên tịch, sư cả căn dặn không được đốn hạ bất kỳ cây còng nào mà hãy để chúng tự sinh, tự diệt. Từ đó, gần 100 cây còng được giữ nguyên trạng cho đến hôm nay. Hiện có một số cây đã bị già cỗi, mục rỗng nhưng đang được nhà chùa cố gắng bảo tồn bằng rất nhiều biện pháp. Để tránh nguy hiểm vào mùa mưa giông, nhà chùa thường xuyên kiểm tra bộ gốc, rễ của hàng còng. Theo quan sát, những cây còng được trồng rất đều đặn, thân cao từ 12 - 15 m, da xù xì tạo nên những hình tượng linh thú rất kỳ lạ. Nhiều gốc cây to phải đến ba người ôm mới giáp chu vi. Toàn bộ diện tích ngôi chùa trên 17 ha đều được phủ kín bởi những gốc còng cổ pha lẫn với những rừng tre, trúc, tầm vông, ao sen tạo nên bức tranh thiên nhiên rất đẹp.
Do vị trí chỉ cách trung tâm huyện Tri Tôn khoảng 7 km, cách TP. Châu Đốc 45 km, chùa “hàng còng” trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhiều du khách. Điểm tham quan này liền kề với một số khu du lịch sinh thái văn hóa của An Giang như: Ô Tà Sóc, đồi Tức Dụp, chùa Nam Quy, đồi Ma Thiên Lãnh, hồ Suối Vàng, chùa Tam Bửu, Phi Lai, làng nghề đan đệm cây bàng, se nhang, chẻ đá, uốn tre, nấu đường thốt nốt... nên rất thuận lợi cho du khách trên hành trình khám phá vùng đất Tri Tôn huyền thoại.
Phan Thị Anh Thư
Ý kiến bạn đọc