Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng với cà phê Dak Lak

09:38, 08/03/2013

Phát triển mạnh về diện tích và sản lượng

Năm 1975, toàn tỉnh mới có 3.700 ha cà phê thì hiện con số này đã tăng lên trên 184.000 ha với sản lượng khoảng 400.000 tấn cà phê nhân xô/năm, chiếm 36,4% sản lượng cà phê cả nước.  Cùng với việc tăng nhanh về diện tích, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như: chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo tán... đã làm năng suất và sản lượng cà phê tăng mạnh. Những năm trước 1990, năng suất bình quân 1 ha cà phê kinh doanh chỉ đạt 8 - 9 tạ nhân, thì hiện bình quân đạt 25 - 28 tạ/ha; cá biệt ở một số vùng sản xuất đã cho năng suất bình quân 35 - 40 tạ/ha.

Đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới

Cà phê Dak Lak không chỉ là cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân mà còn có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Những năm qua ngành cà phê Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đưa cà phê Dak Lak trở thành một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước, có mặt ở gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu cà phê Dak Lak đã góp phần làm cho sản phẩm cà phê trong nhiều năm qua được đứng vào nhóm các mặt hàng của cả nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm. Tính đến hết tháng 9 – 2012, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là 1,36 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,85 tỷ USD/năm, Việt Nam chính thức trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới.

Chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh

Giá trị sản phẩm cà phê hằng năm chiếm 35% GDP của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2010, Dak Lak đạt kim ngạch xuất khẩu trên 620 triệu USD, trong đó cà phê chiếm 85% giá trị xuất khẩu của tỉnh và 40% giá trị xuất khẩu cà phê cả nước. Cà phê đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp.

Xác định là sản phẩm chủ lực, theo quan điểm phát triển của tỉnh: sản xuất cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng; phát triển cà phê  gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch - bảo vệ môi trường; quy hoạch và giảm diện tích cà phê đến năm 2015, toàn tỉnh ổn định từ 140 đến 150 nghìn héc-ta, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. Khuyến khích người trồng cà phê theo hướng bền vững; thu hái quả chín đạt từ 90% trở lên.

Cà phê Robusta thơm ngon bậc nhất

Cà phê được trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là loại Robusta (hay còn gọi là cà phê vối). Theo nhận định của các chuyên gia, Robusta là loại cà phê nổi tiếng thơm ngon, chiếm thị phần lớn trong tổng số các loại cà phê xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Tại Luân Đôn (một trong những quốc gia có diện tích cà phê Robusta lớn) năng suất cây trồng này chỉ đạt khoảng 4 – 6 tạ/ha, còn riêng tại Dak Lak, nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể lên đến 7 tấn/ha.

Phát huy lợi thế này, những năm qua, Dak Lak luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Đó là việc thành lập Hội đồng điều hành cà phê Dak Lak (năm 2005), Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (năm 2008), xây dựng Chỉ dẫn xuất xứ địa lý cà phê Buôn Ma Thuột… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xây dựng nhiều đề án, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với cà phê Robusta; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020, nhằm từng bước ổn định diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Dak Lak.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.