Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm Đại sứ Cà phê Việt Nam 2013: Những trải nghiệm thú vị trên đất cà phê

11:08, 11/03/2013

Được đắm mình trong hương cà phê thơm ngát; say sưa bên khung dệt thổ cẩm, trong tiếng sáo, đàn goong; hòa mình vào cuộc sống của bà con buôn làng và cảnh sắc của núi rừng Tây Nguyên... đó là những trải nghiệm thú vị  trong hành trình "Đi tìm Đại sứ Cà phê Việt Nam 2013". Hành trình này đã giúp các thí sinh cảm nhận về những khó khăn, nhọc nhằn của người trồng cà phê cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa.

Các “người đẹp cà phê” tập dệt thổ cẩm.
Các “người đẹp cà phê” tập dệt thổ cẩm.

Sau điểm dừng chân đầu tiên tại ngôi nhà dài truyền thống của gia đình ông Ama Khương (buôn Phơng, xã Ea tul, huyện Cư M'gar), các thí sinh bắt đầu cuộc hành trình trải nghiệm tại HTX nông nghiệp và dịch vụ thổ cẩm Ea Tul. Giữa không gian nhà dài với chiếc khung dệt, trang phục thổ cẩm, dụng cụ truyền thống, 19 cô gái trẻ không khỏi ngạc nhiên và thích thú chọn cho mình một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Êđê, bắt đầu sự trải nghiệm đầu tiên với dệt thổ cẩm dưới sự chỉ dẫn các xã viên HTX. Bên khung cửi, các thí sinh như hòa mình vào dáng dấp những cô gái Êđê, M’nông của buôn làng. Cũng trong ngôi nhà ấy, tiếng sáo tre, đàn goong của già Y'wang đem đến cho các cô gái trẻ những cảm nhận mới mẻ và gần gũi về văn hóa Tây Nguyên. Tạm biệt nhà dài, tạm để tiếng đàn goong lắng lại trong tâm hồn, các thí sinh tiếp tục cuộc hành trình với điểm đến là Nông trường Cà phê Ea Tul. Trong nắng tháng 3 rực rỡ với bạt ngàn hoa cà phê trắng muốt, sự ngỡ ngàng hiện rõ trên từng gương mặt, nhất là đối với những bạn lần đầu đến với Tây Nguyên. Sau khi được các công nhân nông trường hướng dẫn cách bẻ chồi, tỉa cành, làm cỏ, những “người đẹp cà phê”  tỏ ra khá thuần thục với các thao tác chăm sóc cho cây cà phê. Thí sinh Nguyễn Thanh Thảo đến từ Kon Tum chia sẻ: Tham gia vào hành trình trải nghiệm "Đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam 2013” em thấy rất vinh dự. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên, gắn bó với cây cà phê từ nhỏ  nên em thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân. Nhưng với nghề dệt thổ cẩm thì đây là lần đầu tiên em được ngồi vào khung dệt. Thông qua hành trình trải nghiệm này, em muốn nhắn gửi đến các bạn là nên biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người, biết giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc...".

Bạn Lô Thị Hương Trâm đến từ Hà Nội xúc động: Lần đầu lên Tây Nguyên, nhưng em không có cảm giác xa lạ mà rất thân quen bởi sự thân thiện của người dân. Điều làm em ấn tượng hơn cả là buổi giao lưu với thầy và trò Trường THCS Ea Tul, em rất khâm phục ý chí vươn lên trong học tập của các em học sinh nghèo nơi đây. Với H'Thủy Niê, một thí sinh sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất nắng gió này thì việc tham gia hành trình trải nghiệm là cơ hội để em có dịp giới thiệu nét văn hóa truyền thống, niềm tự hào của đồng bào dân tộc mình đến với các bạn trên mọi miền tổ quốc. Đó là hương vị cà phê Dak Lak, là nghề dệt thổ cẩm hoặc những món ăn dân dã, men rượu cần truyền thống...

Hành trình kết thúc, nhưng dòng nước ngọt dịu và mát lạnh của bến nước buôn Sah (xã Ea Tul), hương hoa cà phê, men rượu cần sẽ đọng mãi trong tâm hồn các thí sinh. Như bà Linh Nga Niê KDăm (thành viên Hội đồng tuyển chọn) chia sẻ: “Đi tìm Đại sứ Cà phê Việt Nam 2013” là hành trình trải nghiệm bổ ích cho các bạn trẻ. Để trở thành Đại sứ cà phê, ngoài việc am hiểu truyền thống văn hóa của mảnh đất nơi ghi dấu lịch sử hình thành phát triển của cây cà phê, hiểu biết về cà phê…  các thí sinh còn là người phải biết sáng tạo trong việc quảng bá văn hóa cà phê.

PV


Ý kiến bạn đọc