Simexco Dak Lak: Chủ động vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định
Hai mươi năm qua, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Dak Lak) đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp có uy tín, hoạt động hiệu quả.
Một góc dây chuyền chế biến cà phê chất lượng cao của Simexco Dak Lak. |
Từ một doanh nghiệp (DN) nhỏ, lực lượng lao động ít lại chủ yếu là lao động phổ thông; cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa lạc hậu; nguồn vốn kinh doanh gần như không đáng kể và ngành nghề kinh doanh chỉ mang tính dịch vụ đơn thuần, sau 20 năm phấn đấu, đến nay Simexco Dak Lak đã có được một diện mạo mới: kinh doanh đa ngành nghề, ngoài mua bán, chế biến, xuất khẩu cà phê còn trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su; dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch nội địa; xây dựng… Cùng với đó, kết quả sản xuất kinh doanh tăng đều qua các năm, chỉ tính riêng năm 2012, doanh thu đạt 6.577 tỷ đồng, tăng gấp 31 lần so với năm 1994, tăng xấp xỉ 41% so với năm 2011; kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 295 triệu USD, tăng 17,5 lần so với năm 1994, tăng gần 37% so với năm 2011; cà phê xuất khẩu 130.000 tấn, tăng 15,5 lần so với năm 1994, tăng gần 54% so với năm 2011. Tính từ ngày thành lập đến nay, lợi nhuận bình quân của công ty gần 13 tỷ đồng/năm, riêng năm 2012 đạt 46 tỷ đồng, tăng 12 lần so với năm 1994 và hơn 100% so với năm 2011; nộp ngân sách bình quân hơn 17 tỷ đồng/năm…
Cán bộ Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững của một hộ dân liên kết với Simexco Dak Lak. |
Để có được kết quả trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là tập thể cán bộ công nhân viên toàn Công ty đã đoàn kết, thường xuyên tìm kiếm và đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn một cách kịp thời, có hiệu quả. Còn nhớ những ngày mới thành lập, Công ty đã gặp khó khăn lớn khi ngành cà phê Việt Nam đối mặt với khủng hoảng giá kéo dài từ các năm 2000-2005. Giai đoạn này, giá cà phê trong nước chỉ ở mức 3.800-4.000 đồng/kg, giá xuất khẩu khoảng 380USD/tấn, khiến nhiều DN xuất khẩu cà phê lỗ nặng, thậm chí phá sản. Đứng trước tình hình đó, Công ty đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp như: mạnh dạn xây dựng kho chứa hàng xuất khẩu thay cho việc phải thuê kho như trước; đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao; tổ chức mua hàng hóa lưu động, nhận hàng trước giao tiền sau..., đã góp phần đáng kể trong việc tiết giảm chi phí hoạt động, nhất là thay đổi phương thức mua hàng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tránh được tình trạng khách hàng chiếm dụng vốn của Công ty. Những năm 2009-2012, khi ngành cà phê Việt Nam vừa bước qua giai đoạn khó khăn thì lại đến lúc Công ty đứng trước những sức ép mới. Đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến việc xuất khẩu nông sản; lãi suất ngân hàng tăng cao, nguồn vốn cung ứng cho kinh doanh thường không đủ, không kịp thời; giá thu mua, xuất khẩu luôn biến động với mức chênh lệch lớn; các tập đoàn cà phê đa quốc gia vào Việt Nam mua cà phê trực tiếp của người dân mà không thông qua nhà xuất khẩu… Trong bối cảnh đó, một trong những biện pháp quan trọng được Công ty lựa chọn là đa dạng hóa kênh bán hàng, chú trọng tìm kiếm khách hàng là những nhà rang xay; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kho chứa hàng và công suất chế biến, đã góp phần nâng cao chất lượng và đưa sản phẩm cà phê xuất khẩu của Công ty đến tận tay nhiều nhà rang xay trên thế giới. Tính đến cuối năm 2012 đã có 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty được bán trực tiếp cho các nhà rang xay danh tiếng, như: Nestle, Decotrade, Kraft Food, Strauss, Lavazza, Tchibo.
Cùng với việc hướng ra thị trường thế giới, Simexco Dak Lak cũng chú trọng đáng kể đến việc đầu tư hỗ trợ người trồng cà phê. Ngay từ năm 2009, Công ty đã tiên phong trong việc liên kết với người trồng cà phê ở hầu hết các địa bàn sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh, như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Ana, Cư M’gar. Thông qua mối liên kết này, Công ty hỗ trợ người sản xuất từ vốn đầu tư, cây giống đến việc mời các nhà khoa học đầu ngành về tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cà phê chất lượng cao. Tính đến nay, Công ty đã liên kết với hơn 8.700 hộ nông dân, sản xuất trên 13.000ha cà phê theo hướng bền vững, có chứng nhận, kiểm tra, như: Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, UTZ Certified, 4C, Rianforest Alliance. Từ khi liên kết với Công ty, tất cả sản phẩm cà phê của người dân được sản xuất trên diện tích này đều được tiêu thụ với giá bán luôn cao hơn giá thị trường. Cái được lớn hơn nữa là tập quán canh tác cực đoan, lạm dụng thuốc kích thích, phân hóa học của người dân đã được thay đổi, thay vào đó là phương thức sản xuất tiên tiến, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Từ đây, Công ty đã xây dựng được vùng cung cấp nguyên liệu dồi dào, phục vụ tốt việc thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu chất lượng cao, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Từ những thành tích đạt được, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho Công ty; 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua. Hiện Simexco là một trong 500 DN lớn của cả nước; một trong 1000 DN có mức đóng góp ngân sách cao của Việt Nam; một trong 54 DN đạt Thương hiệu quốc gia năm 2012; một trong 9 DN của cả nước được áp dụng chế độ ưu tiên hải quan từ năm 2011 đến nay; đặc biệt, là DN đầu tiên của cả nước bán được 1.000 tấn cà phê nhân xô Robusta mang chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” cho các nhà rang xay nước ngoài…
L.N
Ý kiến bạn đọc