Multimedia Đọc Báo in

Người dân bị hạn chế quyền ghi nợ tiền sử dụng đất?

08:35, 28/09/2014
Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình cá nhân sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tài chính của người sử dụng đất chưa đủ tiền nộp  một lần để được cấp CNQSDĐ. Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy CNQSDĐ..., Chính phủ đã có chính sách cho phép người dân ghi nợ tiền sử dụng đất. Cụ thể, tại khoản 8 Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP quy định rõ:  Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất, được cấp giấy CNQSDĐ phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 6, Điều 8 Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi "nợ tiền sử dụng đất" trên giấy CNQSDĐ sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư. Điều 7 của Thông tư số 93/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định: Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP có đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất kèm theo hồ sơ có liên quan gửi về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường) thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. Văn phòng này thẩm định, trình ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có ghi nợ nghĩa vụ tài chính (bao gồm cả tiền sử dụng đất); sau đó lập và chuyển Phiếu thông tin địa chính kèm theo bản sao một bộ hồ sơ cho cơ quan thuế cùng cấp để xác định số tiền sử dụng đất phải nộp của hộ gia đình, cá nhân và lập sổ theo dõi việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất. Sổ theo dõi nợ được lập chi tiết theo diện tích đất ở trong hạn mức và diện tích đất ở ngoài hạn mức…

Tuy nhiên, ngày 24 – 4 – 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn 861/STNMT-QLĐĐ gửi UBND tỉnh lại đề nghị không xem xét việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức theo quy định tại Quyết định 32/2007/QĐ - UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chính điều này đã gây nhiều phản ứng trong dân, bởi các quy định của Nghị định 120 của Chính phủ và Thông tư 93 của Bộ Tài chính như đã nêu trên là không hạn chế quyền này của người dân.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 76/2014/TT- BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực thi hành từ 1-8. Trong đó, Điều 12 vẫn nêu rõ: Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định tại Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định tại Điều 16 Nghị định này. Cụ thể, thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ tiền sử dụng đất như sau: Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 16 có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư; hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất nộp về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. Căn cứ hồ sơ địa chính, trong đó có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường) chuyển đến, cơ quan thuế xác định số tiền sử dụng đất phải nộp của hộ gia đình, cá nhân theo quy định và lập hồ sơ theo dõi nợ tiền sử dụng đất (sổ theo dõi nợ được lập chi tiết theo diện tích đất trong hạn mức và ngoài hạn mức).

 Như vậy, Công văn 861 của Sở Tài nguyên và Môi trường đã hạn chế quyền được ghi nợ tiền sử dụng đất của người dân, liệu có trái với quy định của Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hay không?!

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc