Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân tộc bản địa: Khi người trong cuộc lên tiếng…

20:46, 29/03/2014

Lấy yếu tố văn hóa làm nền tảng để phát triển trong cộng đồng người Êđê ở Dak Lak, Dự án “Bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân tộc bản địa” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee) phối hợp với Bảo Tàng tỉnh triển khai từ tháng 9-2013 đến nay đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, thông qua hai hợp phần: “Đa dạng văn hóa - trân trọng sự khác biệt” và Chương trình “Kể chuyện bằng hình ảnh” (Photovoice) được thực hiện thí điểm tại hai buôn Ea Sar (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) và buôn Trinh (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đã dần gợi mở rõ nét và chân thực vấn đề bảo tồn, phát huy vốn văn hóa bản địa gắn với việc thực hành sinh kế tại các buôn làng.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Bức ảnh của bà H’Lil có chủ đề “Lễ tạ ơn”, bà diễn giải rằng: đây là một phần nghi lễ truyền thống được thực hiện tại một gia đình làm cà phê ở buôn Trinh. Nhờ niên vụ cà phê vừa qua được mùa, được giá, gia chủ đã làm được ngôi nhà dài và mua được bộ chiêng về làm của. Đem chiêng về nhà thì phải giết heo, gà lấy máu thổi hồn cho chiêng và coi đó như thành tố quan trọng trong gia đình. Bức ảnh đơn giản, bình dị nhưng đã thể hiện được chiều sâu văn hóa của tộc người bản địa ở đây - đó là người ta không coi trọng tiền bạc bằng chiêng ché… Những vật dụng sinh hoạt tưởng chừng như bình thường này, đối với người Êđê là cả một gia tài. Gia đình nào có nhiều chiêng ché thì gia đình đó thể hiện được sự giàu có, quyền thế trong cộng đồng. Vì thế, có thể nói chiêng ché là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần và vật chất của họ. Ở góc nhìn khác, anh Y Tân Mlô dẫn dắt người xem tiếp cận và hiểu ra ý nghĩa của “văn hóa mẫu hệ” trong đời sống của người Êđê bản địa. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai vợ chồng già trên đường đi làm nương về nhà. Người vợ đi trước, trên lưng đeo gùi, trong đó đựng một vài thứ rau quả và một vài cành củi khô để nhóm bếp, còn người chồng vác xà gạc theo sau… Thế nhưng, qua câu chuyện của người trong cuộc, hình ảnh đó có tính biểu trưng rất cao và thể hiện sâu đậm về văn hóa mẫu hệ. Bởi theo quan niệm của người Êđê, phụ nữ trong gia đình được coi như ngọn lửa, khi ra khỏi nhà thì họ phải được người đàn ông của mình (đi sau) bảo vệ và che chở. Và trong một hoàn cảnh bất kỳ khác, chỉ nhìn vào thứ tự trước - sau của đoàn (hay nhóm) người đi trên đường, nếu ai đó hiểu được yếu tố văn hóa này sẽ nhận ra ngay ở đó có bao nhiêu gia đình, đơn giản chỉ vì người vợ không bao giờ đi trước người đàn ông không phải của mình. Cứ thế, mỗi người phụ nữ đi trước là đại diện cho một gia đình; và đây là một thiết chế xã hội “bất di bất dịch”, được quy định rõ ràng ngay trong cả những hoạt động mang tính chất cộng đồng.

Sau mỗi bức ảnh  là một  câu chuyện sống động về bảo tồn, phát huy vốn  văn hóa bản địa  của  cộng đồng người Êđê ở buôn Trinh  (P. An Lạc, TX.  Buôn Hồ).
Sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện sống động về bảo tồn, phát huy vốn văn hóa bản địa của cộng đồng người Êđê ở buôn Trinh (P. An Lạc, TX. Buôn Hồ).

Song cùng với những câu chuyện về văn hóa, người Êđê ở buôn Ea Sar lại cất lên tiếng nói của mình qua việc thực hành sinh kế bằng những hình ảnh mà họ ghi lại được rất đỗi thiết thân và gần gũi. Anh Y Trí Mlô đề cập đến nỗi nhọc nhằn, vất vả khi bà con người dân tộc ít người ở đây phải đối mặt với tình trạng rớt giá và thua lỗ vì cây mía…Theo anh Y Trí, cây mía là loại cây trồng phù hợp với vùng đất này, luôn cho năng suất cao nên thu hút nhiều người tham gia sản xuất, nhưng khổ nỗi đầu ra lại quá bấp bênh, khiến không ít nông hộ như anh Y Trí gặp khó khăn. Những ruộng mía đã trổ cờ và úa vàng mà không có ai đến mua (như bức ảnh mà anh chụp được) đã trở thành “câu hỏi” bức bách cần có câu trả lời nhằm bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ở đây tồn tại. Trong khi đó, dưới cái nhìn của anh Y Siu thì các loại rau rừng mà bà con người dân tộc bản địa (cũng như người Kinh) hiện nay ưa thích và thường dùng trong mỗi bữa ăn đã trở nên hiếm hoi hơn, do rừng ngày càng bị thu hẹp và xâm hại nghiêm trọng. Trong cả vùng Ea Sar, đến nay chỉ còn sót lại đôi ba cây Jao (một loại cây leo, có lá cho vị ngọt) mà anh Y Siu ghi lại được đã phần nào cho thấy “vấn nạn” trên, khiến sinh kế của cộng đồng người ở đây thêm nan giải. Anh Y Siu mạnh dạn đặt vấn đề thông qua tác phẩm của mình “Tại sao không nhân rộng mô hình trồng cây Jao để ăn và để bán” nhằm nâng cao thu nhập cho bà con? Ý tưởng ấy khiến những ai quan tâm không thể không lắng nghe trong muôn nỗi lo toan, chia sẻ sinh kế của một cộng đồng.

Hy vọng từ cách tiếp cận “gốc rễ” vấn đề

Với cách làm trên của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường sẽ góp phần giúp chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan có cái nhìn đúng bản chất về đời sống văn hóa, tinh thần cũng như sinh kế của các tộc người bản địa; tránh sự áp đặt và khiên cưỡng khi thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo hiện nay.

Theo ông Hoàng Anh Dũng, thành viên điều phối Chương trình, đó cũng là mục tiêu đặt ra cho những người thực hiện dự án, bởi từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chương trình (dự án) hỗ trợ, giúp đỡ các cộng đồng dân tộc ít người trên nhiều lĩnh vực, phương diện đời sống khác nhau bằng nhiều giải pháp kinh tế kịp thời và đa dạng, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao do chưa giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề. Ông Dũng cho rằng: “Gốc rễ” ở đây chính là văn hóa - yếu tố quan trọng và căn cơ nhất để giúp các cộng đồng các dân tộc ít người phát triển. Chương trình trên lấy văn hóa làm gốc để hướng tới mục tiêu cùng người trong cuộc tìm giải pháp cho việc bảo tồn văn hóa, từ đó từng bước góp phần giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội đặt ra. Hơn thế, thông qua Chương trình Photovoice, đã tạo điều kiện và cơ hội cho người trong cuộc nói lên tiếng nói, quan điểm của mình để giúp các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương có cái nhìn đồng hành cùng họ trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trên địa bàn. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.