Hội Voi Dak Lak và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014: Sôi động và ấn tượng
Từ ngày 12 đến 14-3 Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn 2014 đã diễn ra các hoạt động vô cùng sôi động, hấp dẫn. Các chương trình nằm trong lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào bản địa; thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng.
Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Năm nay, lễ hội được lồng ghép với Hội Voi Dak Lak 2014, sự kiện được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là một trong những hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt, diễn ra trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Lễ hội năm nay đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch như: Lễ cúng bến nước; Lễ cúng sức khỏe cho voi; Lễ ăn trâu mừng mùa; Voi đá bóng; Voi chạy; Voi bơi vượt sông Sêrêpôk; Lễ cúng lúa mới; Hội thi văn hóa ẩm thực các dân tộc… Sự độc đáo của Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến Buôn Đôn, tạo nên một không khí sôi nổi ở mảnh đất vốn rất bình lặng này. Ông Trần Văn Nhượng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Hội Voi Dak Lak và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Buôn Đôn.
Những chú voi tranh tài trên đường đua. |
Trong số các hoạt động văn hóa diễn ra tại lễ hội, các hoạt động gắn với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn luôn thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, chẳng hạn như Lễ cúng bến nước. Với đồng bào Êđê ở Tây Nguyên, phong tục “Cúng bến nước” là một trong những phong tục đẹp và quan trọng nhất. “Hỡi các thần linh ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Hôm nay chúng tôi cúng bến nước, xin thần nước bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin tổ tiên, thần nước phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền…” - lời khấn của vị thầy cúng âm vang cả núi rừng, mở đầu phần nghi thức Lễ Cúng bến nước. Lễ vật cúng thần bến nước của người Êđê gồm một con heo và một ché rượu cần. Sau phần khấn tế của thầy cúng, những thiếu nữ Êđê xinh đẹp được buôn làng tuyển chọn, thướt tha trong trang phục truyền thống sẽ nhẹ nhàng múc từng bầu nước mát dưới bến, mang về phân phát cho người dân trong buôn để lấy lộc. Cũng như các nghi lễ khác của người Êđê, tiếng cồng chiêng không bao giờ thiếu trong lễ cúng bến nước.
Thực hiện nghi lễ cúng bến nước. |
Một nghi lễ khác cũng không kém phần quan trọng và dường như chỉ có tại Dak Lak đó là Lễ cúng sức khỏe cho voi. Với đồng bào Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, từ xa xưa voi đã là hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên. Con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Giàng đã ban cho họ... Trong sinh hoạt hàng ngày, voi luôn đỡ đần, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Còn trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm vinh hạnh của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng. Vì thế, sức khỏe của voi rất quan trọng, là do Giàng ban cho. Chính vì vậy, việc cúng cầu sức khỏe cho voi rất được bà con coi trọng, thể hiện lòng yêu thương quý trọng của con người đối với vật nuôi có giá trị và qua đó nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ đàn voi. Trong số những sự kiện tại Lễ hội, các hoạt động liên quan đến voi vẫn là những hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Thi voi đá bóng; Thi voi chạy; Thi voi bơi qua sông Sêrêpôk đã tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt. Những chú voi vốn hiền lành, to lớn, nhưng dưới sự điều khiển tài tình của các nài voi đã thể hiện sự khéo léo bất ngờ trong các trận bóng đá. Sự chậm chạp dường như biến mất khi những chú voi khổng lồ thực hiện những bước chạy thanh thoát trên đường đua. Năm nay chú voi Kham On (số 2) đã xuất sắc cán đích đầu tiên để đoạt chức vô địch. Trong dòng người về Buôn Đôn, anh Bùi Lý Huỳnh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, được bạn bè rủ rê và mời gọi nên anh đã lên Dak Lak từ ngày 10-3 để được tham gia vào ngày hội này. Các chương trình trong lễ hội đã làm anh hiểu rõ hơn về nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như người Êđê, M’nông… thông qua các lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu… mà trước giờ anh chỉ được xem qua ti vi và sách báo. Anh thích nhất là được theo dõi các chương trình liên quan đến voi như cúng sức khỏe cho voi, voi chạy, voi đá bóng… Sau lần này anh sẽ về kể lại với bạn bè và người thân, nếu có dịp nhất định sẽ tổ chức cho người thân lên Dak Lak để tham quan, du lịch và được tận mắt nhìn thấy những chú voi Bản Đôn hiền lành, nhưng cũng đầy dũng mãnh của Tây Nguyên.
Với sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức, sự quan tâm theo dõi của du khách gần xa, có thể nói Hội Voi Dak Lak và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đánh giá về Lễ hội này, ông Nguyễn Đức Tuấn, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại miền Trung và Tây Nguyên cho rằng: Có thể nói công tác tổ chức lễ hội năm nay đã được UBND tỉnh Dak Lak nói chung và huyện Buôn Đôn nói riêng chuẩn bị rất tốt. Theo ông Tuấn, Hội Voi là một chương trình rất đặc sắc, độc đáo và chỉ có ở Buôn Đôn. Đây là một sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng của Tây Nguyên đại ngàn và của Dak Lak. Do đó chúng ta cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo này.
Giang Nam - Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc