Hội voi - còn đến bao giờ?!
Với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, voi là hiện thân của sức mạnh, giàu có của gia đình, buôn làng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Hội voi ngày nay đang mất dần khí thế hừng hực, sự háo hức của người dân. Người xem vì vậy mà cũng thưa vắng dần, và giới quan tâm nhất là báo chí và những tay săn ảnh. Tại Hội Voi Dak Lak 2014 vừa diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng trước sự "xuống cấp" của những chú voi tham gia các hoạt động tại lễ hội. Không quá khó để nhận ra mật độ tham gia các hoạt động của voi tại lễ hội này đang ngày một ít đi. Khi ban tổ chức huy động voi vào các hoạt động chủ điểm đã có trong kịch bản chương trình thì các điểm du lịch ngay lập tức vắng bóng voi. Còn nhớ chỉ cách đây 5 năm, cũng ở buôn Trí, xã Krông Na, người người nô nức kéo nhau về đây xem hội. Tham gia Hội voi ngày ấy có 30 chú voi từ các huyện Lak, Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn… cùng nhau về đua tài. Đặc biệt, hội thi năm ấy có Thoong Khăm, Thoong Ngân, 2 chú voi con ở rừng Tánh Linh năm 2001 được đưa về thuần dưỡng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ngay như “cựu chiến binh” Y Trút đến từ đội voi Krông Bông từng góp sức tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng tham gia cuộc đua. Thế nhưng nay Y Trút đã đi vào “huyền thoại”, đội voi cũng chỉ tập hợp được 18 con chủ yếu ở Buôn Đôn.
Voi đang từng ngày phục vụ hoạt động du lịch quá sức. |
Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Dak Lak, vào năm 1980 đàn voi nhà của tỉnh có 502 con, năm 1990 còn 298 con, đến năm 2000 giảm xuống còn 96 con và hiện nay cả tỉnh chỉ còn 53 con. Quả là tốc độ suy giảm đàn voi nhà ở Dak Lak nhanh đến bàng hoàng! Với tốc độ suy giảm như hiện nay thì chỉ mươi năm nữa, nguy cơ đàn voi nhà ở Dak Lak bị xóa sổ là không tránh khỏi. Đáng chú ý là trong số 53 con voi nhà hiện còn, voi từ 15-45 tuổi còn sức khỏe tốt để sinh sản chỉ có 43 con, số còn lại là voi đã lớn tuổi và già yếu. Khả năng sinh sản của voi nhà trong 30 năm trở lại đây đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,6%/năm; thậm chí gần bằng 0% những năm gần đây, vì môi trường cho việc gặp gỡ và giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế do các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả voi cùng nhau mà chỉ tập trung chủ yếu cho khai thác du lịch. Bên cạnh đó, voi nhà Dak Lak vốn là voi rừng được săn bắt và thuần dưỡng, trong khi bản năng sống vẫn hoang dã, nhu cầu về thức ăn trong ngày rất lớn; khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp, khi bị mắc bệnh không được chữa trị kịp thời…là những nguyên nhân khiến voi nhà suy giảm về thể chất và tuổi thọ nhanh chóng. Gắn bó với voi hơn 30 năm, nài voi Y Mứt cho rằng, nguyên nhân khiến voi chết một phần do bệnh tật, một phần do làm quá sức, trong khi khẩu phần ăn của voi không bảo đảm. “Ngày xưa người dân thả voi vào rừng từ 2 tuần đến một tháng mới đưa về buôn, bây giờ rừng phá hết rồi nên không thả voi được mà cứ xích ở nhà rồi cho ăn thôi”, Y Mứt chia sẻ về nguyên nhân làm cho đàn voi nhà suy giảm. Y Mứt trăn trở: "Khi voi hết thì ai còn nhớ đến vùng đất huyền thoại của voi nữa". Thực tiễn trên cảnh báo sự cần thiết phải có sự vào cuộc tích cực, cấp bách của các cấp có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, chăm sóc, bảo tồn đàn voi nhà.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc