Multimedia Đọc Báo in

Rực rỡ sắc màu ASEAN tại Festival Huế 2014

15:25, 18/04/2014
Lễ hội đường phố (carnival) với sắc phục truyền thống, di sản thời trang của các dân tộc đến từ các quốc gia, nhất là các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tạo nơi một nét đặc sắc trong Festival Huế 2014.

Trong Festival Huế 2014, du khách được ngắm những bộ trang phục, trang sức của các tộc người, đại diện cho di sản trang phục của các nước. Nếu đoàn nghệ thuật Indonesia giới thiệu trang phục của thổ dân với áo, khố bằng lông thú, vỏ cây, trang sức lông chim, vỏ ốc, vỏ sò, răng nanh, móng vuốt động vật... thì đoàn nghệ thuật Thái Lan, Philippin trình diễn bộ trang phục cách tân dựa trên chất liệu tơ lụa cao cấp. Nếu đoàn nghệ thuật Campuchia khoe diễn bộ trang phục, trang sức của các vũ nữ Apsara chốn cung đình với chiếc mũ hình tháp Angkor, áo lụa bó sát thân hình, váy sampot cùng nhiều món trang sức sang trọng thì đoàn nghệ thuật Lào giản dị với sắc phục lễ hội mang đậm phong cách dân gian của một vài bộ tộc. Trong các đoàn nghệ thuật dự Festival Huế 2014, đoàn Malaysia đã mang đến Việt Nam những nét tinh hoa, đặc sắc của di sản thời trang. Đó là bộ trang sức chất liệu bằng bạc thể hiện tài năng chế tác của thợ thủ công, sự tinh tế trong trang điểm, nét hài hòa giữa trang sức và cơ thể.

 Các  diễn  viên Lào  trong  trang phục truyền thống.
Các diễn viên Lào trong trang phục truyền thống.

Các nước ASEAN vốn là vùng giàu có về di sản thời trang. Nơi đây có nghề dệt hình thành, phát triển lâu đời với nhiều kỹ thuật dệt và trang trí hoa văn khác nhau như batik (tạo hoa văn, họa tiết bằng sáp ong), ikat (tạo hoa văn bằng nhuộm màu trên vải), songket (kỹ thuật dệt bổ sung bằng sợi ngang)... Đặc biệt, người thợ dệt sử dụng nhiều loại khung, trong đó “khung dệt dùng sức căng của cơ thể” (body-tention loom) là khung dệt nguyên thủy, cổ xưa nhất của nhân loại mà đến nay nhiều tộc người ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các bộ tộc ở Nam Lào, Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn sử dụng để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm. Kỹ thuật batik và trang phục batik của các thổ dân Indonesia được xem là biểu tượng của cả quốc gia nghìn đảo này, chính vì vậy, năm 2009 batik đã được Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện nay, nghề làm batik và việc may mặc trang phục batik trở thành phổ biến chẳng những ở Indonesia mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Brunei... Người Mông sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam, Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) cũng còn bảo lưu, phát triển kiểu cách tạo hoa văn hiếm có này để trang trí hoa văn, họa tiết cho bộ váy áo dệt bằng vải lanh nổi tiếng của dân tộc mình.

Di sản thời trang chính là tài nguyên của các nước Asean trong sân chơi hội nhập quốc tế, làm cho bức tranh văn hóa của khu vực thêm rực rỡ, tươi tắn sắc màu. Trình diễn thời trang, sắc phục truyền thống kết hợp với nghệ thuật diễn xướng trên dường phố là dấu ấn khó quên mà Festival Huế năm 2014 mang lại cho công chúng và du khách.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc