Văn hóa - Du lịch cùng liên kết để phát triển
Dak Lak là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử, danh thắng khá nhiều và được phân bố hầu khắp các huyện, thị và thành phố. Dưới góc nhìn du lịch, đây được coi là “mỏ vàng” để ngành “công nghiệp không khói” khai thác và phát triển…
Du khách đến Dak Lak đều có nhu cầu thưởng thức cồng chiêng. |
Theo ông Y Ben Byă - Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích tỉnh, so với cả nước, số lượng và mật độ phân bố di tích ở đây không cao như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trung bình 2,2 di tích/100 km2), nhưng so với khu vực Tây Nguyên thì Dak Lak là tỉnh thứ hai (sau Lâm Đồng) được xếp vào hạng có mật độ di tích lịch sử và thắng cảnh đáng kể nhất - và đó chính là là nền tảng để ngành du lịch tổ chức khai thác, phát triển một cách bền vững, hài hòa. Ngoài các di tích lịch sử, danh thắng đáng kể ấy, Dak Lak còn sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, gắn bó mật thiết với tập quán sinh hoạt, lao động truyền thống của đồng bào các tộc người bản địa cũng là yếu tố quan trọng, bảo đảm cho ngành du lịch phát triển. Trong đó tiêu biểu là các lễ nghi nông nghiệp, lễ hội văn hóa cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng ở Buôn Đôn và nhiều vùng khác. Ông Y Ben kỳ vọng thêm: Dak Lak còn là nơi có các nghề thủ công truyền thống, có giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch hết sức lớn lao. Ngoài các nghề dệt thổ cẩm, làm đồ mỹ nghệ... còn có thêm nghề tạc tượng nhà mồ vô cùng độc đáo của dân tộc Jarai, Êđê cư trú trên địa bàn phía Nam của tỉnh đang được khôi phục, bảo tồn sẽ đem lại cho ngành kinh tế du lịch địa phương cơ hội mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay- giai đoạn mà các giá trị truyền thống đang trong tình trạng bị mai một bởi sự lấn lướt của đời sống hiện đại,văn minh.
Thời gian gần đây, ngành Du lịch thực sự ý thức rõ vai trò của văn hóa trong kinh doanh du lịch, bởi lẽ văn hóa chính là đòn bẩy để du lịch phát triển. Hiện tại và trong tương lai, du khách đến Dak Lak không chỉ để tham quan, thăm thú giải trí... mà cái họ cần là khám phá, tìm hiểu nét đặc thù của văn hóa bản địa. Theo đó, ngành Văn hóa cũng đã nhận thấy rõ du lịch chính là “kênh” thông tin để chuyển tải các giá trị văn hóa đặc sắc của mình đến với mọi người một cách hữu hiệu. Vì vậy thời gian qua, ngành Văn hóa đã phối hợp với ngành Du lịch tiến hành điều tra, khảo sát và phân loại các di tích lịch sử, danh thắng trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mang tính đột phá trong cơ cấu nền kinh tế Dak Lak giai đoạn 2015-2020: du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng góp phần tạo động lực phát triển cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo. Và như vậy, sự “bắt tay” giữa hai ngành văn hóa - du lịch hiện nay, khi mà các yếu tố văn hóa thấm đẫm trong các hoạt động du lịch và ngược lại, sản phẩm du lịch hình thành từ các hoạt động văn hóa là điều cần được quan tâm, gắn kết hơn.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc