Multimedia Đọc Báo in

Ngôi làng của những người ưa "nói khoác"

20:42, 28/08/2014

Có một làng nhỏ nằm bên ven bờ sông Thao hiền hòa từ lâu sống bằng nghề trồng lúa nước và nuôi tằm dệt vải. Trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, cư dân nông nghiệp nơi đây đã tạo cho mình một “đặc sản” tinh thần mà khi nhắc tới làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông (Phú Thọ) ai ai cũng nhớ đến những câu chuyện cười được kể từ lâu ở làng quê này…

Cả làng “nói phét” - đó là câu nói quen thuộc của những ai ở làng Văn Lang, ở Phú Thọ hay ở bất kỳ một miền quê xa xôi nào khi nhắc tới ngôi làng nhỏ này bởi ở đây có những câu chuyện nghe xong làm người ta cười sảng khoái. Có những người ở xa chưa được nghe chuyện cười Văn Lang thì cố tìm trên mạng hay dò hỏi để được đọc, được nghe kể.

Người cao tuổi ở làng quê này cũng không biết được từ bao giờ Văn Lang có những câu chuyện cười và được lan truyền tiếng tăm. Họ chỉ biết, làng Văn Lang nằm dọc sông Thao và Quốc lộ 32C xưa kia vốn làm nghề nông, cấy lúa nước, trồng dâu, dệt vải, đánh bắt cá… Cũng từ đó, theo suốt cuộc mưu sinh đầy gian khó, những câu chuyện cười được người dân lao động nơi đây nghĩ ra và kể cho nhau nghe. Đề tài của những câu chuyện cười Văn Lang không hề xa lạ mà là những câu chuyện nói về bông lúa củ khoai, con cua, con cá, con gà, con lợn, hay cách ứng xử của người dân với nhau… Nói khái quát là ở làng quê có những đề tài gì thì đều đi vào những câu chuyện kể của chuyện cười Văn Lang.

Hội thảo về làng cười Văn Lang.
Hội thảo về làng cười Văn Lang.

Đến nay, từ người cao tuổi nhất đến những người trẻ tuổi đều không biết có bao nhiêu câu chuyện cười và bao nhiêu đề tài. Chỉ biết rằng, không dừng lại ở một thời điểm nhất định, dù vào những lúc làng đói kém nhất cho đến khi sung túc, lúc nông nhàn hay khi bận rộn, những câu chuyện cười đều được ra đời, được kể và lan truyền khắp làng quê. Điều đó có thể thấy, chuyện cười Văn Lang được coi là một sản phẩm dân gian được sinh thành từ trong lòng nhân dân lao động ở vùng quê này và nó có sức sống lâu bền cho đến tận hôm nay. Không gian diễn xướng của chuyện cười Văn Lang rất giống với những câu chuyện cười xưa và ca dao dân ca. Bởi chuyện không phải được kể ở những nơi đài các mà người dân nơi đây kể ở những địa điểm gắn liền với công việc lao động của họ. Dưới gốc đa làng - nơi nghỉ ngơi của người dân đi làm đồng về, dưới lũy tre làng - nơi bọn trẻ chăn trâu thả diều, trên cánh đồng - nơi bà con gặt lúa, sân đình - nơi sinh hoạt văn hóa, ven đường - nơi người dân gặp gỡ và trò chuyện…, đó là những khoảng không gian thấm đẫm chất quê, gần gũi với cuộc sống lao động bình dị.

Chuyện cười Văn Lang được bảo tồn chủ yếu theo hình thức truyền miệng và ghi chép. Hằng năm, sau khi lúa mạ đã xong, làng Văn Lang thường tổ chức thi kể chuyện cười. Người tham gia cuộc thi không phải ai khác là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm khó nhọc với ruộng đồng. Trong cuộc thi, ai kể câu chuyện mà người nghe cười to nhất, cười nhiều nhất, cười đến nghiêng ngả thì người đó sẽ giành phần thắng.

Tuy ngắn gọn, mỗi câu chuyện chỉ vài ba câu, kể chưa đầy hai phút thì hết nhưng những câu chuyện cười Văn Lang không chỉ kể để cho vui, cho hết thời gian mà còn là nơi để người dân nơi đây kể cho nhau nghe để gửi gắm những ước mơ giản dị, những triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Những câu từ và hình ảnh của từng câu chuyện giản dị, dễ hiểu nhưng chứa chan ước mơ cao đẹp của người dân lao động.

Đó là ước mơ về thành quả lao động to lớn của người nông dân. Câu chuyện Cây cải canh kể về cây cải to như cây lim, lá to như lá đao, che đủ cả một đoàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghe qua, ai cũng bật cười là cho rằng chuyện bịa. Đúng là bịa thật nhưng từ trong lòng câu chuyện, ước mơ về mùa màng bội thu của người dân lao động bình dị được gửi gắm. Hay câu chuyện Trâu húc nhau kể về lầm tưởng mấy con trâu  đang húc nhau, nhưng thực chất là những quả bí đang cựa mình thi nhau lớn là mong ước của người nông dân về mùa màng bội thu và no ấm. Những câu chuyện cười như bịa ấy ở làng Văn Lang đã chắp cánh ước mơ cho họ…

Về Văn Lang hôm nay, người dân quê trung du bình dị và mến khách luôn đón khách bằng sự cởi mở và bằng những câu chuyện cười như để làm “đầu câu chuyện” vậy. Gặp ai dù già hay trẻ, dù ở ven đường hay nơi gốc đa, khách muốn được nghe một câu chuyện cười thì chẳng khó khăn gì. Những câu chuyện cười của làng Văn Lang vẫn được kể, những trận cười như “mười thang thuốc bổ” vẫn vang lên giữa làng quê hữu tình này. Ai có dịp đi qua Văn Lang, xin bớt chút thời gian ghé lại để chiêm ngưỡng và thưởng thức “đặc sản” tinh thần nơi đây…

 Thế Nguyễn


Ý kiến bạn đọc