Multimedia Đọc Báo in

Tâm tình với hoa Đà Lạt

09:55, 28/08/2014
Với tôi, hoa Đà Lạt chẳng khác gì một “Công dân” đặc biệt và tiêu biểu. Công dân ấy cũng sống hết trách nhiệm , nghĩa vụ với cộng đồng và xứ sở của mình. Trong hành trình nhập cư vào xứ Đà Lạt, bất kỳ loài hoa nào cũng đều trải qua một cuộc “hóa thân” không e ngại, trút bỏ dần cái gốc gác bản quán để trở thành công dân của xứ ngàn hoa.
 
Không tin cứ ngẫm mà coi, quá nửa thế kỷ trước, người Pháp rồi đến người Nhật đưa về Đà Lạt hoa hồng, layzơn, pensee, lys... Rồi nay, những kỹ sư người Indonesia, Hồng Kông, Hà Lan... của trang trại hoa Dalat Hasfarm đưa tiếp baby, lili, tuylip, chổi tím... vào, để rồi sau đó tất cả trở thành tên chung: Hoa Đà Lạt, lúc nào không rõ. Người trồng hoa, buôn bán hoa, chơi hoa cứ thế gọi tên hoa được nhập từ các xứ về thành tên bản địa thân thuộc. Hoa lys thì cứ gọi là Loa kèn, Fogetmenot thì gọi Lưu ly, hoa baby gọi Ngàn sao, còn hoa Serbra cứ gọi là Đồng tiền... vậy thôi! Đơn giản, nhưng là cả một triết mỹ ẩn chứa trong đó, và tất nhiên khó tìm được câu trả lời. Nếu ai đó khúc mắc mà rằng: Điều gì làm nên sức sống cho hoa Đà Lạt, thì cũng đừng hỏi thế với con người mà cứ để thiên nhiên lên tiếng. Có thể nói đất đai, khí hậu của vùng đất này là để cho hoa. Hoa mang đặc trưng, tinh túy ấy đi làm “đại sứ” với bạn bè muôn nơi. Nên chi, cứ nhìn vào sắc màu là nhận ra đâu là hoa Đà Lạt. Cũng là hoa layzơn, nhưng xuất xứ từ Đà Lạt thì màu sắc đầy đủ, tươi tắn hơn, thân to và dài bóng láng hơn layzơn Ngọc Hồi, Quảng Bạ (Hà Nội), Tuy Hòa (Phú Yên), Tây Lộc (Huế) hay Sa Đéc (Đồng Tháp)... Cũng là hồng đỏ, nhưng hồng Đà Lạt thắm hơn, cánh dày và đầy đặn hơn. Đặc biệt hoa hồng Đà Lạt không nở ra trên những gốc hồng ngoại quốc, mà lại đầu thai từ thân gốc của tường vi hoang dại. Vì thế mà hoa Đà Lạt không cần làm nhọc công con người với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho mình, mà vẫn khẳng định một đẳng cấp trong thế giới hoa, đó thôi.
Hoa hồng từ trang trại hoa Dalat Hasfarm được đóng gói xuất khẩu  sang thị trường các nước châu Á.
Hoa hồng từ trang trại hoa Dalat Hasfarm được đóng gói xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á.

Đà Lạt bây giờ cứ hai năm lại có một Lễ hội hoa được tổ chức. Du khách khắp nơi kéo về thưởng lãm muôn hồng, nghìn tía vào những dịp này. Còn bình thường thì sao? Người trồng hoa không biết hỏi ai và tất nhiên là buồn lắm. Bởi vì từ trước đến nay, các làng hoa, trang trại hoa như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Trại Mát, Xuân Thọ... chỉ được xem như sản phẩm phụ trong chuỗi du lịch truyền thống, thay vì đó phải là sản phẩm đặc thù, có thế mạnh và có tính cạnh tranh cao trong bức tranh du lịch không gì riêng Tây Nguyên mà cả nước. Nhiều người đến đây, trong đó có tôi băn khoăn sao lạ vậy, thì được thực tế trả lời: Nông dân trồng hoa để bán nên không có thời gian nghĩ đến việc khác như liên kết, hợp tác với các đơn vị du lịch, hãng lữ hành để kể cho du khách nghe “Câu chuyện của hoa Đà Lạt”. Trong khi đó, doanh nghiệp làm du lịch ở xứ này lại thờ ơ, đứng ngoài cuộc với người trồng hoa. Tình cảnh này khiến người thưởng lãm có nhu cầu đến với người trồng hoa không biết phải bắt đầu từ đâu. Dường như cuộc chơi với hoa Đà Lạt vẫn là một ẩn số cho cả hai phía. Trong khi xét về yếu tố tự nhiên, vật chất thì các làng hoa Đà Lạt hoàn toàn có đủ tiềm lực để đón lượng khách lớn đến đây tham quan mỗi ngày với khoảng 4,5 triệu lượt khách/năm, theo như tính toán của Sở VH-TTDL của tỉnh này. Điều đó cũng thật buồn như tour “Trải nghiệm với cà phê Buôn Ma Thuột” đã nhiều năm qua vẫn chỉ là ý tưởng vì cuộc chơi còn là ẩn số cho cả hai phía: người nông dân và doanh nghiệp làm du lịch trên vùng đất giàu tiềm năng này.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.