Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy niềm say mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ

16:35, 23/01/2015

Trong những năm qua, huyện Cư Kuin đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở các xã đông đồng bào Êđê. Từ những lớp học này, nhiều cậu bé đã “ngấm” và say mê những thanh âm của nhạc cụ dân tộc mình...

Trong những năm qua, huyện Cư Kuin đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở các xã đông đồng bào Êđê. Từ những lớp học này, nhiều cậu bé đã “ngấm” và say mê những thanh âm của nhạc cụ dân tộc mình...

 

Các thành viên đội chiêng trẻ buôn Pu Huê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) biểu diễn cồng chiêng.
Các thành viên đội chiêng trẻ buôn Pu Huê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) biểu diễn cồng chiêng.

Những ngày đầu năm 2015, nhà cộng đồng buôn Pu Huê, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) rộn rã hẳn lên. Tiếng chiêng tre, chiêng đồng từ những đội chiêng “nhí” với những thành viên mới chừng 10-14 tuổi luôn nhận được những tràng pháo tay của người xem. Đó là buổi biểu diễn giao lưu giữa đội chiêng trẻ các buôn Pu Huê, Jung A, Kniết, Ea Ktur (xã Ea Ktur) và buôn H’ra Ea Tlă (xã Dray Bhiăng) sau khi bế giảng các lớp học cồng chiêng. Nghệ nhân Y Bon Êban (80 tuổi) ở buôn Pu Huê cười vui vẻ: “Đứa cháu của mình là Y Tai Buôn Tô cũng đánh chiêng đấy. Nó mới học lớp 5 thôi, mê chiêng lắm”. Già Y Bon vui thế là bởi lâu lắm rồi già chẳng thấy lũ trẻ hào hứng với “tông ching” (cồng chiêng) như thế. Già Y Bon biết đánh chiêng từ khi già mới chỉ cao bằng cây chuối non trong vườn, từ say mê rồi đi theo người lớn trong buôn tập đánh chiêng. Nhưng ngày ấy, đứa trẻ nào chẳng mê chiêng khi vào mùa lễ hội, tiếng chiêng buôn gần buôn xa rộn ràng. Bây giờ, không khí lễ hội chẳng còn như xưa, trẻ con mê nhạc trẻ hơn mê chiêng. Thế nên thấy thằng Y Tai và lũ bạn hào hứng đến lớp học đánh chiêng, ngoài giờ học lại túm tụm nhau sử dụng những thanh gỗ, thước kẻ tập đánh theo chiêng, già Y Bon mừng phát khóc.

Đội chiêng trẻ buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) biểu diễn bài “Đón khách” bằng chiêng kram.
Đội chiêng trẻ buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) biểu diễn bài “Đón khách” bằng chiêng kram.

Suốt cả buổi giao lưu, nghệ nhân Y Nguin Knul (thường gọi Aê Nheo, ở buôn Pu Huê) chăm chú theo dõi các cháu đánh chiêng, chốc chốc lại lên chỉnh lại cách cầm dùi, cách đặt chiêng cho các cháu. Aê Nheo cũng chính là người đứng lớp dạy đánh chiêng cho lũ trẻ trong hơn một tháng qua. Ông tâm sự: “Do lớp tổ chức vào giữa năm học nên lũ trẻ ngày đi học ở trường, tối mới đến nhà cộng đồng học đánh chiêng. Cực vậy nhưng bọn trẻ thích lắm. Thời gian học có hơn một tháng nên cũng chỉ dạy bọn trẻ hai bài chiêng là bài dân ca Chirirae và bài Đón khách (Drôlteol) bằng cả chiêng tre và chiêng đồng”. Aê Nheo còn bảo, sau khi kết thúc lớp học phải thỉnh thoảng ôn lại cho bọn trẻ và có chương trình biểu diễn cồng chiêng hay lễ hội được tổ chức ở địa phương thì sẽ tạo điều kiện cho đội chiêng trẻ biểu diễn bên cạnh đội người lớn. “Nếu không được đánh chiêng thường xuyên, lũ trẻ sẽ quên mất. Mà bây giờ trong buôn chẳng còn mấy lễ hội được duy trì nữa. Năm 2012, mình có dạy một lớp chiêng cho lũ thanh niên trong buôn nhưng rồi chúng đi làm thuê ở xa hết, chẳng có dịp đánh chiêng nên giờ bảo đánh chiêng cũng không còn nhớ nữa rồi” – Aê Nheo lo lắng.

Tại buổi giao lưu, người lớn vui, lũ trẻ càng vui hơn vì có dịp trình diễn những gì đã học. Cậu bé Y Ni Phan Bkrông (buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur) mới 11 tuổi, nhỏ xíu nhưng đánh chiêng thật chắc tay. Cầm giấy khen do Phòng Văn hóa – Thông tin huyện trao tặng do thành tích học tốt ở lớp cồng chiêng, Y Ni Phan vui vẻ kể: “Em thích chiêng lắm. Chúng em chỉ được học vài buổi tối trong tuần ở nhà cộng đồng của buôn nên về nhà lại dùng que tự tập với nhau. Mỗi bài chiêng, em chỉ cần nghệ nhân hướng dẫn tập chừng 5 lần là đánh được. Bây giờ em đã đánh được 3 bài chiêng là Chirirae, Drôlteol (Đón khách) và Drai Ea (Thác nước)”. Còn Y Sun Êban (14 tuổi, ở buôn H’ra Ea Tlă) đã tham gia đội chiêng trẻ của buôn gần 4 năm nay. Tham gia lớp học truyền dạy cồng chiêng từ năm 10 tuổi, đến nay Y Sun đã đánh thành thạo vài ba bài chiêng, từng 3 lần tham gia các liên hoan nhạc cụ truyền thống ở xã và ở huyện thì đều đoạt giải cao. Y Sun bảo, học chiêng khó mà cũng dễ, ai có cái tai giỏi thì chỉ cần nghe các nghệ nhân đánh vài lần là học theo được. Cậu thích lắm những buổi tối í ới rủ bạn đi tập chiêng, thích nghe tiếng chiêng đồng, chiêng kram rộn rã trong buôn. Tự nhận mình cũng mê nhạc trẻ song Y Sun vẫn mơ ước sẽ trở thành một nghệ nhân đánh chiêng của buôn như thế hệ cha ông mình. Mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia học đánh chiêng nhưng Y Cảnh Niê (10 tuổi, ở buôn Jung A) đã thích mê. Thích đến nỗi sẵn sàng bỏ chương trình hoạt hình trên tivi để đến nhà cộng đồng mỗi tối tập đánh chiêng.

Giờ ra chơi trên lớp hay lúc tụ tập chơi cùng nhau, Y Cảnh và lũ bạn lại dùng thước, những thanh tre tìm được tập gõ theo các bài đã học. Mơ ước của Y Cảnh là được cùng đội chiêng đi biểu diễn ở các lễ hội khắp các buôn xa, làng gần để “ai cũng được nghe tiếng chiêng của mình”.

Từng tham gia dạy nhiều lớp đánh chiêng cho cả thanh niên lẫn thiếu niên, nghệ nhân Y Ưng Bdap (52 tuổi, ở buôn H’ra Ea Tlă) không giấu được niềm vui khi thấy các học trò của mình yêu thích, quan tâm đến nhạc cụ truyền thống. Ông bảo, ở buôn H’ra Ea Tlă ngày càng ít người biết đánh chiêng, thanh niên lớn lên tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí khác nên “cái tai không còn thích nghe ching, nghe hát Ayray nữa”. Vì thế, ông mong lắm Nhà nước quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, mở nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng hơn, tuyên truyền vận động bà con gìn giữ các phong tục đẹp, phục dựng các lễ hội truyền thống…

Những mong muốn của nghệ nhân Y Ưng cũng là giải pháp mà huyện Cư Kuin đang triển khai nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống. Theo ông Hồ Đức Đồng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cư Kuin cho biết, mỗi năm huyện đều tổ chức từ 4-5 lớp truyền dạy cồng chiêng cho khoảng 40-50 học viên ở những xã đông đồng bào Êđê như Ea Tiêu, Ea Ktur, Ea Bhôk, Dray Bhiăng... Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức nhiều chương trình giao lưu, liên hoan, hội thi giữa các đội chiêng trẻ; tổ chức “buôn vui chơi, buôn ca hát”; phục dựng nhiều nghi lễ cúng bến nước, cúng mừng lúa mới, mừng sức khỏe... nhằm tạo “không gian” cho các loại hình văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Những hoạt động này cũng đã góp phần khơi dậy tình yêu, niềm say mê đối với văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.

Hồng Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.