Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột

19:21, 02/01/2015

Từ Lễ hội Cà phê năm 2011 và năm 2013 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, khái niệm “văn hóa cà phê” đã bắt đầu được đề cập tới. Và cũng từ đó đến nay, những người quan tâm đến vấn đề này cố gắng tìm kiếm và định hình dần giá trị văn hóa khá mới mẻ ấy từ nhiều góc nhìn khác nhau với mục đích chung là để hương cà phê Buôn Ma Thuột bay xa hơn và tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.

Hướng đến chủ thể văn hóa cà phê

Còn nhớ bà Tôn Nữ Thị Ninh - Cựu Đại sứ Việt Nam ở một số nước EU nói rằng: cà phê Buôn Ma Thuột thơm ngon nức tiếng và từ trước đến nay được coi là đặc sản của cao nguyên này. Người đi xa không quên mang theo cà phê để làm quà tặng, kẻ đến đây không bao giờ bỏ qua cơ hội thưởng thức ly cà phê mỗi sớm. Cứ thế yếu tố văn hóa chứa đựng trong thức uống kia được vun bồi và nảy nở... Những phác họa đó ít nhiều cho thấy bức tranh về văn hóa cà phê ở đây đã hình thành từ những nét rất riêng và hết sức đặc thù trên vùng đất được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” của cả nước thông qua đời sống sinh hoạt thường nhật của cư dân địa phương. Tuy nhiên theo bà Ninh, đó chỉ là phần dễ nhìn thấy của một tập hợp giá trị để làm nên diện mạo văn hóa ấy. Còn cội rễ của nó phải bắt nguồn từ đời sống của những người trực tiếp làm ra hạt cà phê. Có nghĩa họ là chủ thể trong quá trình hình thành nên hình hài văn hóa đó.

Thư giãn với cà phê tại Làng Cà phê Trung Nguyên.  Ảnh: Đ.Đ
Thư giãn với cà phê tại Làng Cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Đ.Đ

Theo đánh giá của bà Ninh và nhiều nhân sĩ, trí thức tham dự Hội thảo “Hiện thực hóa Thiên đường cà phê Buôn Ma Thuột” do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng và theo đuổi từ những năm 2007-2008 đến nay, thì phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư một cách có chiều sâu và bền vững cho hàng vạn hộ nông dân sản xuất cà phê ở Buôn Ma Thuột nói riêng và Dak Lak nói chung, để làm sao khi nhìn vào đó, ai cũng nhận ra nét khác biệt của những người làm cà phê so với các vùng miền khác trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ. Và chính bản thân sự khác biệt ấy đã hàm chứa các giá trị về văn hóa cà phê…

Cùng chung ý tưởng này, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: Bàn đến văn hóa cà phê - hạt nhân số một và quan trọng để biến vùng đất này thành “Thiên đường cà phê” mà không thấy được sự khác biệt giữa đời sống của người làm cà phê với người trồng lúa, trồng bắp... thì chỉ là chuyện không tưởng! Bởi nói cho cùng, đời sống thực tế sinh ra các giá trị văn hóa - và cũng từ yếu tố văn hóa ấy có tác động trở lại chi phối đời sống theo hướng tích cực, thăng hoa hơn. Còn nhớ, ông Ngọ cũng như nhiều nhà nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế có tên tuổi khác tham dự hội thảo trên đều có chung góc nhìn: Văn hóa cà phê phải được xây dựng, hình thành trên chuỗi giá trị vật chất và tinh thần của nó. Chuỗi giá trị ấy được đo đếm bằng chính nỗ lực của cả cộng đồng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này dù trực tiếp hay gián tiếp.

Phát huy những giá trị vốn có

Đầu tiên phải kể tới là việc duy trì, phát triển các cơ sở rang xay, chế biến cà phê đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến trong quá khứ cũng như hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người với nhiều sở thích, phong cách khác nhau. Chẳng hạn như cà phê Đồng Xanh, Bâng Khuâng hay Thu Thủy (Buôn Ma Thuột) có từ thập niên 70 thế kỷ trước, đến nay vẫn giữ được cái “gu” chân chất, đậm đà nguyên vẹn và hiện đang hút khách nhờ sản phẩm “sạch” không hề có thêm phụ gia khi pha chế. Rồi Hương Mê, Thanh Bảo... sau đó là Nam Nguyên, An Thái, Mêhico, Victoria và đặc biệt là Trung Nguyên đã nhanh nhạy nâng cao những giá trị có sẵn của cà phê Buôn Ma Thuột lên thang bậc mới với những cảm xúc phong phú, đa dạng hơn thông qua công nghệ chế biến, phân phối hiện đại và tiên tiến. Chính vì thế đã góp phần làm cho hương vị cà phê ở xứ sở này trở nên sinh động, độc đáo hẳn lên.

Du khách tham quan Làng Cà phê Trung Nguyên.     Ảnh: Hoàng Gia
Du khách tham quan Làng Cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Có thể nói cà phê Buôn Ma Thuột - từ vườn cây, công nghệ chế biến cho đến phân phối và thưởng thức... đã dần hình thành không gian văn hóa đặc thù. Trong không gian ấy, nhiều người cho rằng đã bắt đầu có sự lan tỏa về cảm xúc, nhận thức… khi ai đó thử quan sát, lắng nghe nhịp sống rất riêng diễn ra trên đô thị được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” này. Riêng hàng quán cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột, từ phòng lạnh, quán bar đến cà phê sân vườn đều mang dấu ấn khó quên. Đặc biệt, khu du lịch Làng Cà phê Trung Nguyên rộng 5-7 ha được quy hoạch, thiết kế một cách chuyên nghiệp, độc đáo dựa trên nhu cầu, cảm nhận của người thưởng thức, là một giá trị văn hóa không thể phủ nhận. Thưởng thức cà phê ở Buôn Ma Thuột không chỉ để kích cầu khả năng tiêu thụ cà phê bột tăng lên 18-20% sản lượng sản xuất hàng năm, mà thông qua “kênh” này để đưa văn hóa cà phê từng bước tiếp cận với mọi người. Uống cà phê để gắn kết với sự hiểu biết về đời sống sản xuất, quy trình chế biến ra thức uống quyến rũ kia là ý tưởng của nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng sản xuất và kinh doanh cà phê hiện nay. Trong đó Trung Nguyên với Làng Cà phê ở cuối đường Lê Thánh Tông - TP. Buôn Ma Thuột là một trong khởi điểm tiên phong để hướng đến triết lý “Cà phê đạo” ở Việt Nam như “Trà đạo” của Nhật Bản có từ vài trăm năm trước.

Từ bước đầu định hình và lan tỏa giá trị văn hóa cà phê ở đây, đã có một vài Công ty du lịch ở Dak Lak hoạch định chiến lược kinh doanh cho mình bằng con đường và lợi thế cạnh tranh từ cà phê. Hai năm trước, Công ty Thương mại - Du lịch Đam San đã có tour “Trải nghiệm với cà phê” và đã thu hút khá nhiều du khách quan tâm. Thông qua tour du lịch này, Đam San muốn khai thác giá trị văn hóa trong đời sống của cư dân, doanh nghiệp làm cà phê ở tất cả các cung đoạn từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng… để thỏa mãn nhu cầu khám phá, hiểu biết cho du khách. Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Đam San cho rằng, làm du lịch ở “Thủ phủ cà phê” phải nhanh nhạy tận dụng được sản phẩm đó dưới dạng thức văn hóa - tinh thần nhằm cung cấp cho khách hàng. Đây được coi là sản phẩm du lịch lợi thế và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững một khi cộng đồng và doanh nghiệp có sự gắn  kết chặt chẽ. Thêm vào đó, nếu có sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan về việc quy hoạch và phát triển vùng sản xuất, chế biến cà phê theo hướng hợp tác, liên kết với hoạt động du lịch trên địa bàn thì chuỗi giá trị cà phê Buôn Ma Thuột sẽ gia tăng gấp nhiều lần, không những trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu… mà trong cả định tính văn hóa - được coi như tài nguyên vô giá mà cà phê mang lại cho vùng đất này. Từ suy nghĩ đó, hy vọng qua Lễ hội Cà phê năm 2015, chuỗi gia tăng giá trị của nó trên các mặt kinh tế - văn hóa sẽ được tiếp tục quan tâm, tôn vinh thêm, mở ra cơ hội lớn hơn cho cà phê Buôn Ma Thuột khẳng định vị thế của mình trong tiến trình phát triển và hội nhập chung của Dak Lak.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc