Multimedia Đọc Báo in

Xin hãy dành cho thầy Y Jút một vị trí xứng đáng

10:33, 18/01/2015
Trong hồi ký 50 năm theo Bác Hồ, cố bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm có nhắc câu chuyện thầy Y Jút giải thích khi học sinh Trường Tiểu học Pháp – Đê ngày ấy hỏi về những người tù bị bắt làm Quốc lộ 14, rằng “đó là những người tù chính trị”.
 
Trong hồ sơ xin xây lại ngôi mộ của thầy Y Jút ở buôn Păn Lăm (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), nhà giáo – Tiến sĩ Phan Văn Bé, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Dak Nông, đã nói rất kỹ về ông: “Y Jút tốt nghiệp sơ học tại Trường Franco - Rhade Buôn Ma Thuột, tốt nghiệp tiểu học ở Huế và năm 1912 học trung học tại Trường Lycee Khải Định Huế. Năm 1916 Y Jút tốt nghiệp trung học, được bổ nhiệm làm giáo viên tại Trường Franco - Rhade Buôn Ma Thuột. Trước cảnh sống tối tăm và khổ nhục của đồng bào do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, ngay từ những năm đầu bước vào nghề dạy học, Y Jút đã nuôi hoài bão giải thoát người Êđê ra khỏi nạn mù chữ. Y Jút cùng thầy Y Út đã bỏ nhiều công sức vào việc xây dựng bộ chữ Êđê - Latinh hóa và thầy đã thành công. Ngoài ra, Y Jút còn là người phụ trách biên soạn bộ giáo trình Rhade - Pháp dùng để giảng dạy trong nhà trường”.

Chữ Êđê là một trong những bộ chữ của các tộc người thiểu số Tây Nguyên được xây dựng sớm nhất ở khu vực, do chính hai trí thức dân tộc thiểu số biên soạn từ cơ sở chữ Latinh, với ý thức tự tôn và trách nhiệm công dân của mình, nhằm giúp cho người Êđê có chữ viết. Sau này mới được các linh mục người Pháp, các mục sư Tin lành người Mỹ góp ý sửa chữa để chép kinh thánh bằng tiếng Êđê. Điều này không giống với quá trình xây dựng và hình thành bộ chữ của một số tộc người Tây Nguyên khác như: Jrai, Bana, K’Ho… đều do các đức cha giáo phận mời trí thức các dân tộc cùng tham gia biên soạn, hướng chính vào mục đích phổ biến kinh thánh Cơ đốc và Tin lành. Trải qua nhiều năm tháng, bộ chữ Êđê ban đầu do hai thầy Y Jút và Y Út biên soạn vẫn được coi là khoa học nhất và rất ít bị thay đổi. Đến nay vẫn được sử dụng để giảng dạy trong các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc Êđê tại Dak Lak.

Tôi đã một vài lần đưa con cháu, những thanh thiếu niên thích tìm hiểu về cội nguồn quê hương đến ngôi mộ của vợ chồng thầy Y Jút – như đã nói ở trên – do Tiến sĩ Phan Văn Bé đề xuất và Sở Giáo dục – Đào tạo Dak Lak cấp kinh phí xây dựng lại tại nghĩa trang của buôn Păn Lăm - nơi gia đình người vợ xinh đẹp H’ Zih Niê Brít của thầy cư trú. Ngày trước, khi nhà cửa còn thưa thớt, vườn cà phê quanh buôn xanh rờn, ngôi mộ nằm giữa nghĩa trang cùng với những ngôi mộ khác nằm lặng lẽ yên bình dưới những tàng cây cổ thụ. Còn bây giờ dân cư mỗi ngày một đông đúc, vườn cà phê đã không còn; bởi không có tục bốc mộ, nên nhà cửa của người dân bây giờ chen chúc cùng những người đã yên nghỉ, trong đó có cả vợ chồng thầy Y Jút. Cuộc sống xô bồ của thời kinh tế thị trường khiến cho khu vực từng là nghĩa trang trở nên chật chội và ồn ã.

Phần mộ của vợ chồng nhà giáo Y Jút nằm lọt giữa khu dân cư buôn Păn Lăm.  Ảnh: Hoàng Gia
Phần mộ của vợ chồng nhà giáo Y Jút nằm lọt giữa khu dân cư buôn Păn Lăm. Ảnh: Hoàng Gia

Mấy năm trước, khi biên soạn tài liệu về văn hóa và văn học Êđê, Dak Lak cho lớp tập huấn của các giáo viên dạy chữ Êđê do ngành Giáo dục tỉnh tổ chức mỗi hè, tôi có dịp đọc lại hồ sơ của thầy Y Jút để làm rõ thêm việc hình thành và phát triển chữ Êđê qua các thời kỳ; quả thực công lao của thầy Y Jút và Y Út rất lớn. Trong quyển “Lược sử Tây Nguyên” của Tiến sĩ Phan Văn Bé có ghi rõ:

 “Thầy giáo Y Jút H’Wing, sinh năm 1885 tại buôn Kram, xã Ea Tiêu, trước đây thuộc huyện Krông Ana, nay thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, lớn lên trên mảnh đất cao nguyên sâu đậm tình người, tất cả đã hun đúc trong người Y Jút dòng máu yêu nước từ rất sớm. Chính vì vậy, khi bị giao nộp cho Pháp cùng với một số thanh niên khác để thực dân Pháp đào tạo thành tay sai cho chúng, lợi dụng cơ hội này Y Jút quyết tâm học hành, đem ánh sáng văn hóa trở lại phục vụ quê hương, buôn làng và đó cũng là cơ hội tốt nhất để giải phóng đồng bào ra khỏi ách áp bức bóc lột.

Theo lời kêu gọi của thầy Y Jút toàn thể giáo viên, học sinh trường Franco - Rhare, công nhân viên chức hành chính, bưu điện, y tá nhà thương… mỗi người viết 4 lá đơn tố cáo tội ác của tên công sứ Sabatier và đồng bọn ở Dak Lak: Một bản gởi Toàn quyền Đông Dương; một bản gửi khâm sứ An Nam; một bản gửi Chưởng lý Tòa án Đông Dương tại Sài Gòn; một bản lưu cá nhân (để khi có thanh tra về hỏi thì mỗi người trả lời y như nguyên đơn).

Song song với việc viết đơn tố cáo tội ác của Sabatier, một cuộc biểu tình bao vây Tòa Công sứ đuợc thầy Y Jút thực hiện hoàn toàn thắng lợi. Lực lượng biểu tình không những tập trung được toàn thể giáo viên, học sinh mà còn thu hút được hàng ngàn người gồm các công nhân, viên chức, binh lính và cả nông dân, thợ thủ công khắp thị xã kéo đến ngày một đông, lần lượt có cả các thầy, các y tá, công chức, binh lính, đồng bào đi rẫy…”.

Vậy không chỉ là người biên soạn thành công bộ chữ Êđê, thầy Y Jút còn là một trong những người trí thức dân tộc thiểu số đầu tiên thúc đẩy và hình thành phong trào chống Pháp ngày ấy ở thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung.

Với những công lao đó, ông xứng đáng có một nơi yên nghỉ đàng hoàng và đẹp đẽ hơn. Đó không chỉ sẽ là nơi thế hệ trẻ các dân tộc Dak Lak hôm nay tưởng nhớ về công lao của người thầy giáo, mà còn là một điểm du lịch văn hóa của một vùng đất luôn tự hào về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa phi vật thể, kiệt tác truyền khẩu của nhân loại”. Gia Lai đã dựng tượng cụ Nay Der - một trong những trí thức Jrai cùng thời với thầy Y Jút, cũng là người đã cùng các đức cha làm nên bộ chữ Jrai. Du lịch qua một thành phố vệ tinh thuộc Thượng Hải (Trung Quốc), thấy thành phố này dành cả một khuôn viên rộng vài héc-ta làm nơi tưởng niệm người thầy đầu tiên dạy chữ cho nông dân trong vùng.

Trông người lại ngẫm đến ta. TP. Buôn Ma Thuột đã trải qua 110 năm hình thành và phát triển. Đường phố thênh thang, đêm đêm sáng bừng ánh đèn, hương cà phê thơm mọi góc phố, người xe mỗi ngày thêm nhộn nhịp. Tuy nhiên vẫn chưa có được một địa chỉ nào để hậu thế và du khách tưởng nhớ đến người tù trưởng Ama Thuột làm nên tên tuổi một địa danh, cho dẫu thành phố mang tên một con người cụ thể là khá hiếm ở Việt Nam. Nhưng  huyện Cư Kuin thì có thể dành một vị trí xứng đáng tại buôn Kram, nơi quê gốc của thầy Y Jút và rước vong linh vợ chồng thầy về với buôn làng không?

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.