Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống: Tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch phát triển
Dak Lak nổi tiếng là vùng đất của núi sông hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, cùng với những giá trị văn hóa, di tích lịch sử độc đáo… Đây được xem là tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Có thể nói, hiện nay mô hình gắn kết cộng đồng làm du lịch hiệu quả nhất phải kể đến Hợp tác xã (HTX) Du lịch Buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak). Nhờ biết phát huy lợi thế của địa phương, ưu tiên kết nạp các xã viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là những hộ có voi và thuyền độc mộc để tham gia đưa khách du lịch tham quan hồ Lak, HTX Du lịch Buôn Jun đã trở thành một trong những đơn vị kinh doanh du lịch có tiếng trên địa bàn tỉnh. Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Du lịch Buôn Jun cho biết, HTX đang sở hữu 21 con voi nhà, cộng với 16 thuyền độc mộc phục vụ khách tham quan trên hồ Lak. Bình quân mỗi tháng, HTX đón và phục vụ khoảng 1.000 - 1.500 lượt khách, trong đó trên 50% là khách nước ngoài. Du khách đến đây không chỉ được tham quan hồ Lak, Biệt điện Bảo Đại (thị trấn Liên Sơn) mà còn khám phá nét độc đáo của thác Ba tầng ở buôn Píp (xã Yang Tao); buôn M’Liêng - buôn văn hóa điển hình của đồng bào M’nông xã Dak Liêng và rừng đặc dụng Nam Ka. Theo ông Đức, trước đây, kinh tế gia đình của hầu hết các hộ xã viên trong HTX đều chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước 1 vụ, những lúc nông nhàn lại đi đánh bắt cá trên hồ nên đời sống khá bấp bênh.
Từ năm 2005 đến nay, khi tham gia làm du lịch thì đời sống của người dân đã từng bước “thay da đổi thịt”. Nhờ việc phục vụ khách du lịch, bình quân một tháng mỗi chú voi mang về cho xã viên (có voi) từ 8-10 triệu đồng, những hộ có thuyền độc mộc tham gia chở khách cũng được 5- 6 triệu đồng/tháng... Bên cạnh thế mạnh là đàn voi nhà và thuyền độc mộc, HTX Du lịch Buôn Jun còn biết phát huy lợi thế khai thác vốn văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông bản địa vào làm du lịch như: Giữ nguyên những kiểu dáng các nhà sàn trong buôn Jun để khách tham quan, trải nghiệm không gian sinh hoạt của người dân bản địa qua việc cùng ăn ở với hộ gia đình trong buôn; duy trì đội cồng chiêng gồm 12 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, múa hát; phục dựng các lễ nghi truyền thống cúng bến nước, lễ mừng mùa, lễ cúng sức khỏe cho voi…
Khách du lịch thích thú với các sản phẩm du lịch Tây Nguyên tại Hợp tác xã du lịch Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak. |
Cùng với việc phát triển du lịch gắn liền với những giá trị văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng, thì tại buôn Trinh (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được các nghệ nhân nơi đây gìn giữ, phát huy hiệu quả qua mô hình HTX. Đây không chỉ đơn thuần là không gian văn hóa làng nghề truyền thống mà còn góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 60 hộ xã viên làm nghề trong buôn, giúp đời sống kinh tế của bà con ngày một khởi sắc. Già Ama Thin, Tổ trưởng tổ HTX thổ cẩm buôn Trinh chia sẻ: Với hầu hết mọi người trong buôn Trinh, nghề thổ cẩm không chỉ để mưu sinh hay có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, mà còn là niềm đam mê lớn trong việc gìn giữ nghề truyền thống của cha ông mình.
Sản phẩm thổ cẩm của buôn Trinh hiện đang có mặt tại hầu hết cửa hàng bán đồ lưu niệm ở TP. Buôn Ma Thuột và các điểm, khu du lịch trong tỉnh. Hằng năm buôn Trinh có khoảng trên 1.000 lượt du khách do một số công ty du lịch lữ hành đưa đến để tham quan quy trình làm nên những sản phẩm thổ cẩm bằng thủ công. Du khách đến đây rất thích thú và nhiều người còn mua những sản phẩm thổ cẩm về làm kỷ niệm. Từ đó, các hộ xã viên HTX ở buôn Trinh đang giữ được làng nghề dệt thổ cẩm và có thể phát triển kinh tế nhờ những sản phẩm bán ra thị trường. Anh Y Linh Byă, xã viên HTX vui mừng cho biết, hiện tại gia đình anh có 2 khung dệt, trung bình một người dệt 2 ngày được một bộ quần áo thổ cẩm, trừ chi phí nguyên liệu, có thể lãi từ 250.000- 300.000 đồng. Với số tiền công cao hơn nhiều so với làm rẫy nên cả gia đình anh hăng say làm nghề. Nhờ thổ cẩm, gia đình anh Y Linh đã sắm được nhiều phương tiện hiện đại như xe máy, tivi và các vật dụng sinh hoạt khác phục vụ trong cuộc sống gia đình.
Nỗ lực để du lịch phát triển bền vững
Những năm gần đây, ngành Du lịch Dak Lak đang có những bước phát triển vượt bậc với sự tăng trưởng không ngừng cả về lượng du khách lẫn doanh thu hằng năm. Năm 2011, tổng số khách đến Dak Lak có khoảng 310.000 lượt người, doanh thu ước đạt 235 tỷ đồng, đến năm 2014 là khoảng 467.000 lượt khách đến Dak Lak, doanh thu ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 2,68% so với kế hoạch và tăng gần 16% so với năm 2013. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành địa phương, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống gắn liền với hoạt động du lịch để thu hút khách tham quan.
Trải nghiệm cưỡi voi tại Khu du lịch Hồ Lak (huyện Lak). |
Thời gian qua, nhiều điểm, khu du lịch đã được tỉnh và các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông đến các khu du lịch đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử được trùng tu, tôn tạo, điển hình như việc tôn tạo tháp chăm Yang Prông (huyện Ea Súp), xây dựng mới Bảo tàng tỉnh; một số buôn văn hóa của người bản địa, lễ hội truyền thống được khôi phục… Một trong những minh chứng rõ nét cho những nỗ lực này là Dak Lak đã phục dựng và phát huy có hiệu quả các nghi lễ truyền thống như lễ hội cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, cồng chiêng... gắn liền với hoạt động du lịch tại các khu du lịch, hay tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, qua đó đã quảng bá hình ảnh vùng đất và người Dak Lak đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách, nhiều nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trong tỉnh như thác Dray Nur, thác Thủy Tiên, cầu treo Buôn Đôn... cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, gắn kết giá trị văn hóa truyền thống (như trang phục, không gian văn hóa của người bản địa, các món ẩm thực đặc sản Tây Nguyên) với các dịch vụ - du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ ngơi... Hiện nay, Dak Lak đã ký cam kết triển khai Kế hoạch chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của 6 tỉnh Nam Trung bộ (Lâm Đồng- Khánh Hòa - Bình Thuận - Ninh Thuận - Dak Lak - Phú Yên) giai đoạn 2012 - 2020, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội của 5 tỉnh Tây Nguyên và Phú Yên- Khánh Hòa, trong đó, trọng tâm là phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch, thực hiện các tour đưa khách đến Dak Lak và ngược lại.
Ông Bùi Văn Khối, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhận định: Trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, nhiều làng nghề, phong tục, lễ hội truyền thống của người bản địa đang đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên. Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngành văn hóa đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch kịp thời đưa một số hoạt động văn hóa vào gắn kết với du lịch, để qua đó vừa tạo việc làm cho người dân, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương và quảng bá rộng rãi với công chúng. Để nâng cao hiệu quả việc bảo tồn, trong thời gian tới, ngành văn hóa dự định sẽ tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép các giá trị văn hóa phi vật thể vào các tour du lịch như: tham quan lễ hội truyền thống của người bản địa, tái hiện hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian như các điệu múa, kể khan các sử thi, hát dân ca (Ay ray, kut, M’mun)… tạo nên không khí hội trong nghi lễ truyền thống để thu hút du khách. Đặc biệt, sự tái hiện này phải được bố trí hợp lý ở các điểm, khu du lịch khác nhau để tăng thêm sự đa dạng, hấp dẫn cho các tour du dịch khám phá. Hy vọng trong tương lai không xa, Dak Lak sẽ trở thành một trong những trọng điểm về du lịch của cả nước và du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Quốc Thành
Ý kiến bạn đọc