Multimedia Đọc Báo in

Hát kể sử thi Êđê - Gian nan tìm người kế tục

20:00, 22/02/2015

Trong dân ca của người Êđê có câu: “Thiếu tiếng khan, tiếng khưt, tiếng chiêng/ Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Điều đó có nghĩa sinh hoạt văn hóa kể khan không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Êđê. Tuy nhiên, theo thời gian, không gian diễn xướng của loại hình này đã thay đổi, nghệ nhân kể khan còn lại cũng ngày một ít ỏi, trong khi đó, việc tìm kiếm lớp người kế tục lại gặp không ít khó khăn!

Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Còn nghệ nhân hát kể sử thi là pô khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc. Những nghệ nhân kể khan có trí nhớ một cách kỳ lạ, họ có thể nhớ nhiều sử thi, có người nhớ tới 9 - 10 tác phẩm và còn hơn thế nữa. Mỗi tác phẩm sử thi Êđê là một câu chuyện dài, có thể dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nội dung cơ bản của sử thi Êđê chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, về chế độ nô lệ sơ khai, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, sử thi còn miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người về một thế giới tốt đẹp hơn giữa người với người, giữa con người với thế giới tự nhiên và giữa con người với các đấng thần linh...

Nghệ nhân Y Wang Hwing (SN 1958, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) cho biết, kể khan là một hoạt động văn hóa quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc Êđê. Trong đó, kể khan diễn khi có lễ hội như: lễ cưới, lễ mừng thọ, lễ rước K’pan, lễ dọn vào nhà mới, lễ trưởng thành và lễ kết nghĩa anh em… Trong các lễ hội này, chủ nhà mời bà con gần xa đến dự. Vào buổi tối, quây quần bên bếp lửa, ché rượu cần, chủ nhà mời nghệ nhân kể khan cho mọi người nghe. Nghệ nhân kể khan ngồi cạnh ché rượu, trên chiếc chiếu hoa, cầm cần rượu xin phép tổ tiên, ông bà được kể khan cho con cháu nghe. Ngoài ra, sử thi còn được kể ở chòi rẫy, các chủ rẫy đều làm chòi và cử người ở lại giữ rẫy. Cứ tối đến, sau khi cơm nước xong, những người ở lại giữ rẫy thường kéo đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan để nghe kể, hoặc có thể kể trong những buổi đi chăn trâu, chăn bò, trong những ngày đi rừng… “Ngày xưa, mỗi lần già kể khan thì người nghe đông lắm. Đàn ông ngồi trong, đàn bà ngồi ngoài. Cứ nghe cho đến khi con gà gọi ông mặt trời thức giấc, tận lúc trời sáng hẳn mới nghỉ. Nhưng theo thời gian, những buổi kể khan cũng ít dần, người nghe kể khan cũng ít đi do những thay đổi của thời cuộc”, nghệ nhân Y Wang Hwing tâm sự.

Nghệ nhân Y Đhin Niê đang kể sử thi.
Nghệ nhân Y Đhin Niê đang kể sử thi.

 Nghệ nhân Y Đhin Niê (SN 1974, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) - một trong số những người trẻ đam mê theo học kể khan chia sẻ: Để học được kể khan, đòi hỏi phải có năng khiếu và đam mê thực sự, phải có không gian để biểu diễn thường xuyên, nếu không sẽ dễ quên lời. Bây giờ giới trẻ mê những chương trình giải trí trên tivi, điện thoại nên ít người còn nghe kể khan.

 Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ còn 8 nghệ nhân ở 3 huyện Cư M’gar, Krông Buk, Krông Pak vẫn còn nhớ và kể được sử thi của dân tộc Êđê so với 64 nghệ nhân năm 2003.  Nguyên nhân khiến sử thi đang bị mai một và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hóa của đồng bào Êđê là do sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội làm mất đi không gian diễn xướng truyền thống của sử thi. Theo đó, nhiều lễ hội dần mất đi; buôn làng đã có nhiều thay đổi, nhà dài bằng gỗ nay đã thay bằng những căn nhà xây; đường lên rẫy nay đã gần và dễ đi hơn; những cánh rừng đã rời xa, những loài cây, loài thú được nhắc đến trong sử thi nay cũng không còn khiến người nghe cũng không hiểu; lớp trẻ mê những phương tiện giải trí hiện đại hơn…

Mới đây Khan sử thi của người Êđê, Ot Ndrong (sử thi) của người M’nông tỉnh Dak Nông, Hơmon (sử thi của người Ba Na tỉnh Gia Lai), và Hơmon (sử thi) của người Ba Na – Rơ Ngao tỉnh Kon Tum đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một niềm vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn và phát huy di sản này. Theo ông Y Kô Niê, hiện Sở đang xúc tiến xây dựng kế hoạch và chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ sau bằng việc đưa sử thi vào giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú, lập các câu lạc bộ nghệ nhân ở buôn làng… “Cái khó nhất để duy trì kể khan chính là cần không gian diễn xướng phù hợp và có một lượng người nghe kể khan. Bởi nếu không có người nghe, nghệ nhân cũng không thể hát kể được” – ông Y Kô nói.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.