Multimedia Đọc Báo in

Người Êđê bảo vệ rừng bến nước

20:59, 07/02/2015

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, một số buôn của xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn gìn giữ được những cánh rừng nguyên sinh nơi đầu nguồn bến nước. Những cánh rừng này được bảo vệ bằng ý thức tự giác, phong tục tập quán của dân tộc bản địa nơi đây.

Đối với người dân tộc Êđê, nguồn nước là một nơi linh thiêng trong đời sống cũng như văn hóa, phong tục tập quán của họ.  Để lập buôn, trước hết phải tìm thấy nguồn nước tốt. Bến nước Êđê thường được xây dựng ở nơi có mạch nguồn nước sạch chảy ra. Trong khu vực đó rừng phải giữ nguyên, không ai được phép chặt dù là một cây nhỏ. Bến nước luôn được giữ gìn sạch sẽ, không vứt rác, thả gia súc làm bẩn. Người Êđê tin rằng, bến nước cũng có thần linh canh giữ nên hằng năm vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa thường tổ chức lễ cúng bến nước. Và họ ý thức được việc bảo vệ rừng đầu nguồn của bến nước cũng chính là bảo vệ nguồn sống cho buôn làng đối với hiện tại và mai sau; người dân các buôn Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B và buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)  tự giác nhắc nhở nhau gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại nơi đầu nguồn bến nước.

Bến nước buôn Kmrơng Prông A.
Bến nước buôn Kmrơng Prông A.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những cánh rừng này, anh Bùi Văn Hưởng, cán bộ Văn hóa Thông tin xã Ea Tu cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng hơn 3 ha rừng nguyên sinh ở đầu nguồn bến nước của ba buôn. Tuy không có nguồn kinh phí quản lý bảo vệ nào nhưng người dân tự ý thức, khuyên bảo nhau để bảo vệ. Dù nằm ngay trong khu vực dân cư nhưng những cây cổ thụ quý vẫn không ai dám chặt phá”. Tại buôn  Kmrơng Prông B, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cánh rừng xanh tốt với những cây pơ lang, sao, tung... cổ thụ nằm ngay khu dân cư sinh sống. Có những cây cổ thụ phải hàng chục người ôm mới xuể. Phía dưới cánh rừng này hai bến nước trong vắt róc rách chảy quanh năm, tạo ra một khung cảnh hoang sơ, yên bình hiếm thấy ở nơi chỉ nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 10 km. Trời về chiều, bến nước tấp nập người đi lấy nước, tắm giặt. Khi rời bến nước, trên vai những phụ nữ Êđê lại nặng trĩu chiếc gùi đầy những chai nước về nhà để uống. Buôn trưởng buôn Kmrơng Prông B, Y Wih Êban hồ hởi khoe: “Rừng đầu nguồn bến nước của buôn hiện còn khoảng 1ha với nhiều loài cây quý nhưng không ai được chặt phá, xâm lấn. Toàn buôn hiện có 216 hộ dân thì có 90% số hộ là người dân tộc Êđê nên họ luôn có ý thức quản lý, bảo vệ rừng như tài sản của gia đình mình. Cứ người già dạy cho người trẻ, cha mẹ dạy cho con, ông bà dạy cho cháu về việc phải giữ rừng, dần dà ý thức bảo vệ rừng đã ăn vào máu thịt nhiều thế hệ của đồng bào Êđê ở đây, bởi giữ được rừng thì mới giữ được bến nước”.

Già làng Ay Huy (buôn Kmrơng Prông A) năm nay đã 75 tuổi cho hay, trong buôn có 392 hộ thì có đến 235 hộ là người dân tộc Êđê và hầu hết những gia đình này vẫn giữ thói quen uống nước lấy từ bến nước của buôn về để uống dù ai trong buôn cũng có giếng nước nhưng họ chỉ dùng nước này để tắm giặt, tưới cây trồng, vì đồng bào ở đây quan niệm nước lấy bến nước là nguồn nước của Giàng ban nên sạch sẽ và tinh khiết. Đã 75 mùa rẫy, già Ay Huy đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, thay đổi của buôn làng, duy chỉ có một thứ mà vẫn nguyên sơ không thay đổi đó chính là rừng cây và bến nước. “Già nay yếu rồi! Con cái lại đi xa nên không ai đi gùi nước dưới bến về để uống nên bất đắc dĩ phải uống nước lọc đóng chai nhưng mãi vẫn thấy nước đóng chai nhạt nhẽo không ngọt và mát như nước lấy ở bến. Thỉnh thoảng già lại sang hàng xóm để uống nước lấy từ suối về cho đỡ thèm”. Ở trong buôn, già Ay Huy là người có uy tín nhất nên những lời của già được người dân tin tưởng làm theo. “Việc tuyên truyền quản lý, bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn bến nước của buôn luôn được đưa vào lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt văn hóa của buôn. Ngoài ra, hằng năm cứ dịp lễ tết người dân trong buôn tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng thêm cây để bổ sung cho rừng cây bến nước”, già Ay Huy cho biết thêm.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.