Multimedia Đọc Báo in

Phong tục đón Tết độc đáo của người Vân Kiều

10:35, 06/02/2015
Tổ tiên người Vân Kiều (dân tộc Bru-Vân Kiều) trước đây chỉ biết đến tết mừng lúa mới vào trung tuần tháng 2 và tháng 11 âm lịch hằng năm.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào Vân Kiều chuyển sang mang họ Hồ, một lòng son sắt với Đảng. Từ đó Tết Nguyên đán manh nha hình thành trong bản làng Vân Kiều tuy chưa có dấu ấn gì đặc biệt bởi quê hương còn giặc giã. Tết Nguyên đán chính thức trở thành sinh hoạt văn hóa hằng năm của đồng bào Vân Kiều khi đất nước hòa bình, đời sống được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo.

Giống như phong tục chạp mã người Kinh, giáp tết (ngày 28 âm lịch) người Vân Kiều khắp các bản làng sống trên dải Trường Sơn đều tề tựu về khu nhà mồ đồng bào mình để cúng tổ tiên. Trước mộ phần ông bà, già làng cùng với chủ hộ thắp hương kính báo Giàng và ma nhà về hoa lợi trồng được trong năm qua, so với năm trước có được mùa hơn hay không. Sau đó họ sẽ khấn vái cầu mong thú dữ không còn phá hoại, mùa màng năm mới bội thu. Cuối cùng, toàn thể đồng bào thành kính cúi lạy mời Giàng và tổ tiên về từng nhà ăn tết.

Bên cạnh ảnh thờ Bác Hồ đặt giữa trung tâm gian thờ, gần Tết cổ truyền người Vân Kiều còn trang hoàng sặc sỡ bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công bằng những tấm vải đỏ mới tinh. Theo họ, màu đỏ biểu trưng cho quyền uy và may mắn, nhà nào trang trí bàn thờ như thế mới có hiếu với tổ tiên, mới được ma nhà chiếu cố về chơi xuân ăn tết. Sáng ngày 30 Tết, tiếng giã nếp làm bánh tết ầm vang cả núi rừng, cùng với đó mỗi nhà sẽ mổ một con lợn, xương, nạc và mỡ được để riêng để chế biến thành những món ăn, bánh trái truyền thống. Mâm cỗ ngày Tết người Vân Kiều đặt lên bàn thờ phải có bánh Acoắt, Aduh, 1 vò rượi cần, rượu đoác cùng bánh chưng, bánh đòn, mứt tết.

  Cụ ông người  Vân Kiều dọn bàn thờ đón Tết  cổ truyền.
Cụ ông người Vân Kiều dọn bàn thờ đón Tết cổ truyền.

Tảng sáng ngày mùng 1 Tết, chủ gia đình địu trên lưng cái ống lồ ô xuống khe lấy nước về cho gia đình, sau đó mỗi thành viên uống một ngụm rồi mới rửa tay chân, mặt mũi. Người Vân Kiều cho rằng những giọt nước mới đầu năm sẽ mang lại may mắn cho họ, đó chính là lộc đất trời mà ai cũng phải hứng lấy. Gia đình nào không đi hái lộc mới trong ngày đầu năm thì cả năm sẽ xui xẻo, chăn nuôi thất bại, trồng trọt không nẩy mầm. Buổi sáng đầu năm mới, người Vân Kiều kiêng cữ sang bản khác chơi, kể cả anh em họ hàng vì họ quan niệm xông đất mà không hợp tuổi thì không nên, hơn nữa người nào ra khỏi nhà để tới nhà người khác thời điểm này thì bao nhiêu của cải trong nhà mình sẽ theo đó mà biến mất. Bởi vậy, chiều đến bà con mới xuống khỏi nhà sàn bắt đầu đi chúc tết. Khách và chủ chào nhau bằng những làn điệu dân ca truyền thống Tà oải, Pờ Oát, Xơ nớt, bên mâm cỗ và những vò rượu cần đầy ắp họ cùng khề khà hát về chủ đề cầu chúc năm mới sức khỏe, nương rẫy tốt tươi, gió mưa thuận hòa. Đây là dịp các cụ cao niên, già làng, trưởng bản răn dạy con cháu năm nay tu chí làm ăn, trung kiên với Đảng, dựng xây bản làng ngày càng khởi sắc.

Ngày đầu năm cũng là thời khắc quý giá để gái trai đến tuổi cập kê hẹn hò, kết ước. Họ rủ nhau tới một khoảnh sân rộng rãi, đốt lửa lên rồi nam, nữ đứng đối diện nhau, đối đáp những khúc dân ca Tà oải, Pờ Oát, Xơ nớt. Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều được huy động tối đa, mỗi người biết sử dụng một thứ, người này thì kèn khui, pi (sáo), tù và, còn người kia gõ trống, thanh la, chiêng núm. Bản làng như chưa bao giờ tươi vui, yên ấm đến vậy. Những câu hát giao duyên có thể là những lời hoa mỹ “em ơi, em đẹp như đóa lan rừng, ước gì anh với em được gắn bó tất giao, anh nguyện chăm bẵm em suốt cả cuộc đời”, cũng có thể đó là lời dỗi hờn, trách móc “anh đã lừa gạt em, nướt mắt em âm thầm rơi xuống đêm vì duyên mình bạc bẽo”. Lời ca tiếng hát cứ thế cất lên suốt sáng thâu đêm.

Cũng theo quan niệm của người Vân Kiều, ngày mùng 3 Tết là ngày thả ma về rừng, sau khi ông bà tổ tiên về đoàn tụ ăn tết. Ai cũng sẽ gặp ma, chứng kiến những điều không may nếu đi ra khỏi nhà trong ngày này. Ngay hôm sau, khăn vải và lễ vật trên bàn thờ sẽ được dỡ xuống, kết thúc 3 ngày tết trong hoan hỉ và kiêng kỵ nghiêm ngặt.

Phong tục đón Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ bề dày bản sắc của người Vân Kiều, tiệm tiến giao thoa văn hóa giữa miền ngược với miền xuôi mà không đánh rơi bản sắc vốn có. 

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc