Multimedia Đọc Báo in

Những nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống ở Krông Bông

06:27, 05/04/2015
Nằm bên dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, huyện Krông Bông có dân số hơn 97.000 người với 25 dân tộc anh em. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
 
Nhờ vậy, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Êđê, M’nông bản địa; những lễ hội văn hóa dân gian của đồng bào miền Trung và lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc phía Bắc trên địa bàn huyện Krông Bông đã được “hồi sinh”, tạo thành một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú.

Tuy có nhiều dân tộc cùng sinh sống, song những năm trước đây, các hoạt động văn hóa, lễ hội ở các xã trên địa bàn huyện Krông Bông ít được quan tâm. Một số lễ hội của đồng bào Êđê, M’nông thưa dần; đồng bào từ phía Bắc vào định cư chỉ lo làm ăn, ít quan tâm và duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Điều đáng mừng là 5 năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các xã đã chú trọng đến bảo tồn văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã được khơi dậy. “Điểm sáng” trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Krông Bông là các xã Cư Pui, Hòa Sơn, Dang Kang. Nhiều lễ hội hiện đã được tổ chức thường niên và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài huyện. Rộn ràng nhất là các lễ cúng vào dịp cuối năm của đồng bào Êđê, M’nông; hội thi diễn tấu cồng chiêng hằng năm ở xã Cư Pui; lễ hội khai hạ đầu năm của người Mường ở xã Hòa Sơn. Đặc biệt, lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc ở xã Cư Pui vào dịp đầu xuân đã được tổ chức quy mô cấp huyện, thu hút nhiều du khách. Các hoạt động văn hóa - thể thao như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, giao lưu, hội thao… được tổ chức thường xuyên hơn. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ: “Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngoài kinh phí thì người “cầm trịch” phải là người nhiệt tình, tâm huyết, am hiểu về phong tục, tập quán; phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản; đồng thời từng bước xã hội hóa công tác bảo tồn để mọi người đều phải có trách nhiệm”.

Phục dựng lễ cúng bến nước ở buôn MGhí (xã Yang Mao).
Phục dựng lễ cúng bến nước ở buôn MGhí (xã Yang Mao).

Việc mở các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên các buôn ở xã Dang Kang, Ea Trul; dạy hát ayray, hát kưưt cho lớp trẻ Êđê ở xã Yang Mao; dạy múa khèn, đàn tính hát then cho lớp trẻ ở xã Cư Pui… cũng đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Trong những năm qua, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Krông Bông đã mở được 24 lớp truyền dạy diễn tấu chiêng đồng, chiêng kram cho hơn 200 thiếu niên người Êđê; phối hợp với các xã phục dựng nhiều lễ cúng ở các buôn dân tộc thiểu số tại chỗ như lễ cúng tuốt lúa đầu năm, nghi lễ ăn cơm mới ở buôn T’lia và lễ cúng bến nước ở buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong); lễ cúng bến nước ở buôn M’Ghí (xã Yang Mao), lễ cúng bến nước ở buôn Cư Ênun A (xã Dang Kang)… Ông Châu Phan, Phó Trưởng Phòng VTTT huyện Krông Bông cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Phòng VHTT đã phối hợp với UBND xã Yang Mao phục dựng thành công lễ cúng bến nước theo phong tục của người Ê đê Kpă ở buôn M’Ghí. Lễ cúng được thực hiện bài bản với đầy đủ nghi thức. Thời gian tới, Phòng VHTT tiếp tục mở các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh, thiếu niên dân tộc Êđê, M’nông; tổ chức lễ hội cồng chiêng cấp huyện; phối hợp với các xã phục dựng một số lễ hội của đồng bào Êđê, M’nông; tăng cường hội thao, hội diễn; thường xuyên tổ chức buôn, thôn vui chơi - buôn, thôn ca hát, xã vui xuân - xã ca hát ở tất cả các thôn buôn, khối phố trong huyện”.

Hiện nay, Phòng VHTT Krông Bông cũng đang thống kê số lượng các nghệ nhân tạc tượng, cồng chiêng, đàn tính hát then, nghệ nhân dạy chơi nhạc cụ, thầy cúng để sắp tới mời họ phối hợp mở lớp và phục dựng. Hầu hết nghệ nhân ở các thôn, buôn rất nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng chung tay phục dựng, truyền dạy cho lớp trẻ. Nghệ nhân Y Blê M’drang (Ama Kim) ở buôn M’nang Dơng (xã Yang Mao) là một trong ít nghệ nhân biết sáng tác và hát được những làn điệu ayray, kưưt. Ông tham gia rất nhiều liên hoan dân ca, dân vũ Tây Nguyên và đã giành nhiều huy chương. Ama Kim tâm sự: “Sợ những làn điệu dân ca bị mai một, thất truyền nên từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ của Phòng VHTT, buôn M’nang Dơng đã mở được 2 lớp dạy hát dân ca Êđê cho 40 em thanh thiếu niên”...

Tuy việc phục dựng lễ hội chưa nhiều, các hoạt động văn hóa cổ truyền ở một số địa phương chỉ mới được khơi dậy, song đáng mừng là các hoạt động này đã trở thành phong trào và ngày càng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong huyện; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cội nguồn đa sắc màu và tiềm năng phát triển du lịch trên quê hương căn cứ cách mạng. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.