Cảm nhận Mường Phăng
Đã từng đọc sách, báo và nghe các bậc lão thành cách mạng kể về căn cứ của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), thế nhưng khi có dịp đặt chân đến vùng đất này, mới càng cảm nhận được nhiều điều hay và thú vị hơn về khu di tích lịch sử cách mạng này.
Nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ gần 40 km, Khu di tích Mường Phăng nằm trong một khu rừng nguyên sinh. Đây chính là nơi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tác chiến, cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu, minh chứng cho những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng khu Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cảnh quan thiên nhiên xung quanh vẫn được người dân Mường Phăng giữ gìn cẩn thận để nhớ về vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Du khách tham quan di tích lịch sử Mường Phăng. |
Đến Mường Phăng, chúng tôi càng hiểu thêm giá trị của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đó dẫu chỉ là chiếc lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến – nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường – nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm…; đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96 m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… Khó có thể tả hết cảm xúc của thế hệ trẻ chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất này, được tận mắt thấy chiếc lán đơn sơ, mộc mạc của vị Đại tướng, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy chiến dịch; được nghe kể về những năm tháng chiến đấu anh dũng, hào hùng của thế hệ cha ông với trí thông minh và lòng quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược, trong lòng mỗi người lại trào dâng cảm xúc, với sự tôn kính dành cho vị Đại tướng tài ba. Điều đáng nói hơn nữa là tấm lòng người dân Mường Phăng đều luôn nhớ về một người con vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị, gắn liền với những cái tên: “rừng Đại tướng”, “hầm Đại tướng”, “con đường Đại tướng” hay Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp… Quả thật, trong trái tim của mỗi người dân Mường Phăng, từ cụ già cho đến những em nhỏ, hình ảnh Đại tướng luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.
Không chỉ được sống trong không khí cách mạng hào hùng, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, đặt chân đến vùng đất này, chúng tôi còn được tận hưởng không khí mát lành của khu rừng nguyên sinh. Nơi đây được người dân bản địa gìn giữ như một "báu vật" từ bao đời. Dưới tán “rừng Đại tướng” các chị, các mẹ lại tranh thủ những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập bằng cách bán hàng lưu niệm cho khách du lịch từ những chiếc khăn thổ cẩm, chiếc vòng bạc, cho đến những giò phong lan, chai mật ong hay gói thảo dược... Càng ngạc nhiên hơn khi những em bé chỉ mới học tiểu học song đã biết rất rõ từng di tích như: lán và hầm của bộ phận thông tin; lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán và hầm của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; lán giao ban, hội họp; lán của Ban Cơ yếu; bếp Hoàng Cầm; đặc biệt các em biết được ngày xưa bộ đội đuổi giặc Pháp ra sao, ngày nay người dân coi trọng rừng Mường Phăng thế nào...
“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” - tự hào là mảnh đất có lịch sử vẻ vang, khu di tích Mường Phăng không chỉ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử mà đó còn là nơi để những người lính Cụ Hồ tìm về để sống lại những kỷ niệm gian khổ nhưng hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do. Tạm biệt Mường Phăng, chúng tôi đành phải rời đi trong sự tiếc nuối, lưu luyến và thầm mong sẽ trở lại vùng đất ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử cũng như hình ảnh người dân chân chất, bình dị, mộc mạc, dễ gần nơi đây.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc