Multimedia Đọc Báo in

Thiên Ấn - "Đệ nhất thắng cảnh" Quảng Ngãi

08:35, 10/05/2015
Thiên Ấn có tục danh là núi Hó, từ xưa đã được xem là "đệ nhất thắng cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi với mỹ danh "Thiên Ấn niêm hà", tức ấn trời đóng trên sông.
 
Sông ở đây là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh. Từ quốc lộ 1A, ngang địa phận Quảng Ngãi, nhìn lên tả ngạn của sông Trà Khúc, du khách sẽ chiêm ngưỡng được núi Ấn. Quả núi hình quả ấn như in dấu ngàn năm xuống dòng sông Trà lững lờ trôi theo dòng lịch sử. Muốn ghé thăm Thiên Ấn, từ ngã ba đầu cầu Trà Khúc trên quốc lộ 1A, rẽ sang quốc lộ 24B về hướng đông chạy xe ô tô chỉ khoảng năm mười phút là đến chân núi. Ðường lên đỉnh Thiên Ấn xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, độ dốc không cao, lòng đường rộng, đã trải nhựa nên xe các loại đều lên xuống dễ dàng.
Một góc chùa Thiên Ấn.
Một góc chùa Thiên Ấn.

Sở dĩ núi có tên là Thiên Ấn vì đỉnh núi rộng, bằng phẳng, nhìn xa giống như một cái triện lớn do trời sinh ra. Núi cao 106m, tựa hình một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm cạnh dòng sông xanh. Tương truyền xưa kia núi mọc toàn cỏ tranh chen lẫn với đá, mặt đỉnh cây cối mọc sầm uất có cọp ở. Người dân trong làng thường dùng tranh của núi Ấn để lợp nhà, tuy nhiên, không ai dám bén mảng lên đỉnh vì cho rằng đó là vùng đất thiêng. Chân núi phía Đông Thiên Ấn có cái gò cao giống cái hộp đựng con dấu, gọi là hòn Triện. Năm 1830, ngọn núi được khắc vào dinh tự và năm 1850, vua Tự Đức đưa núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào tự điển. Phía đông sườn núi có chùa Thiên Ấn nằm giữa lùm cây cổ thụ rậm rạp. Chùa do thiền sư Pháp Hoá dựng vào năm 1694, đã được chúa Nguyễn ban cho biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn tự" vào năm 1717. Gắn với chùa có sự tích quả đại hồng chung linh thiêng đúc vào năm 1845 bởi các nghệ nhân của làng đúc đồng Chú Tượng (huyện Mộ Đức). Khi mới đúc ra, chuông đánh không kêu, thiền sư Bảo Ân đã chú nguyện và sau đó đánh tiếng chuông ngân nga khắp vùng. Trong khuôn viên chùa có cái giếng cổ sâu hun hút, tục gọi Giếng Phật. Tương truyền rằng, Giếng Phật phải đào mất 20 năm mới hoàn thành, đây cũng là giếng nước đầu tiên của vùng núi Thiên Ấn. Sau nhiều năm vỡ núi tìm nguồn nước, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng chắn ngang nguồn nước, tưởng đã vô vọng. Đêm về, sư được báo mộng, nạy hòn đá lên sẽ có được nguồn nước thiêng. Khi nguồn nước phụt lên từ đáy giếng, vị sư cũng "hoá" theo dòng nước. Phía đông chùa có khu Viên mộ thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an táng các vị sư trụ trì chùa. Ngoài ra, tại đỉnh Thiên Ấn, trên trảng đất bằng phẳng thoáng đãng phía tây còn có phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là nơi được nhiều du khách viếng thăm. Chí sĩ họ Huỳnh người huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), là nhà yêu nước, người lập ra Báo Tiếng Dân, tham gia Chính phủ cách mạng năm 1945, được Hồ Chủ tịch cử làm đại diện Chính phủ ở Liên khu V, mất tại Quảng Ngãi ngày 21-4-1947 và được an táng trên đỉnh núi này. Cô bạn công tác ở Báo Quảng Ngãi cho hay, vì cảm cái tài đức của chí sĩ họ Huỳnh, một lão nông tên Trần Phiên đã tình nguyện chăm sóc mộ phần cụ hơn chục năm nay.

Núi Ấn - sông Trà từ lâu trở thành biểu tượng của vùng đất và văn hiến Quảng Ngãi. Năm 1990, núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.