Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa đầu tư cho du lịch: Vẫn còn nan giải

09:13, 13/05/2015

Chủ trương kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào việc xã hội hóa đầu tư cho hoạt động du lịch từ lâu đã được các cấp chính quyền địa phương nỗ lực xúc tiến nhằm mục đích biến “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực hơn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay chủ trương này vẫn chưa tạo được dấu ấn thật mạnh mẽ.

Nguồn lực đầu tư chưa nhiều

Từ năm 2012 trở lại đây, khi Đề án Phát triển Du lịch Dak Lak (giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030) được thông qua thì tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH – TT - DL) cho biết, ngoài hai dự án du lịch đang hoàn thành thủ tục đầu tư vào huyện Lak với tổng nguồn vốn khoảng 110 tỷ đồng của Công ty TNHH Du lịch Đường mòn Châu Á và Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế FED Việt Nam, thì số dự án xin chủ trương đầu tư còn lại không đáng kể về cả nguồn lực tài chính lẫn quy mô tổ chức. Cụ thể, Công ty TNHH Tâm Lộc xin đầu tư vào thác Thủy Tiên - huyện Krông Năng, Công ty TNHH Thương mại-Du lịch Trọng Điểm liên kết với Công ty Đam San khảo sát lập Dự án Du lịch Nông trang Ea Sô - huyện Ea Kar với tổng mức đầu tư vào khoảng 6-7 tỷ đồng, đây là con số khá khiêm tốn so với mong đợi từ chủ trương xã hội hóa  đầu tư cho hoạt động du lịch ở địa phương. Còn từ phía Nhà nước, theo Sở Kế hoạch – Đầu tư trong ba năm qua, Trung ương đã hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng giúp Dak Lak quy hoạch, xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và cơ bản như kè chắn đất kết hợp với đường giao thông dành cho người đi bộ quanh hồ Lak; đường giao thông nội bộ Khu Du lịch hồ Ea Súp thượng; danh thắng đồi Cư H’lâm và Khu du lịch hồ buôn Jông - huyện Cư M’gar. Còn từ nguồn trích 0,5% ngân sách địa phương hằng năm cũng chỉ mới tạm đủ để từng bước khảo sát, hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết cho những cụm, điểm và tour-tuyến du lịch trọng điểm trên địa bàn nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tìm đến.

Hợp tác xã Voi buôn Jun đưa du khách thưởng ngoạn  phong cảnh Hồ Lak bằng voi.
Hợp tác xã Voi buôn Jun đưa du khách thưởng ngoạn phong cảnh Hồ Lak bằng voi.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Dak Lak thì lộ trình, phương thức thu hút nguồn lực đầu tư vào đây chưa thật sự hiệu quả do những vướng mắc trong công tác quy hoạch, cũng như sự thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện đề án trên, khiến không ít đối tác tỏ ra chần chừ và e ngại. Vì thế, nhiều người trong cuộc kiến nghị: cần phải có cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư vào hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong vấn đề quy hoạch và phát triển du lịch tại chỗ hiện nay.

Vẫn còn bất cập

Trong khi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có tầm cỡ, cũng như Nhà nước dành cho du lịch chưa thật sự đủ mạnh để tạo động lực cho ngành này bứt phá, thì việc huy động nội lực tại chỗ vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi cho các cộng đồng, doanh nghiệp tham gia làm du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm đúng mức.

Người dân sống ven Hồ Lak tham gia hoạt động du lịch bằng những chiếc thuyền độc mộc.
Người dân sống ven Hồ Lak tham gia hoạt động du lịch bằng những chiếc thuyền độc mộc.

Bà Ngọc Anh, phụ trách Khu du lịch cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh: nổi lên là vấn đề giá đất cho doanh nghiệp thuê không được miễn giảm như chủ trương của Nhà nước đã quy định khiến hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Những đơn vị làm du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như Vạn Phát, Đam San, Thanh Hà, Akô D’hông… cũng cho rằng tiền thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, định hình và hoàn thiện sản phẩm (chủ yếu là văn hóa - sinh thái) để thu hút du khách đang là “gánh nặng” đối với họ. Vì thế trong quá trình tổ chức, thiết kế tuor - tuyến đến các điểm du lịch hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng “hụt hơi” do thiếu nguồn lực đầu tư. Khó khăn này, theo các đơn vị làm du lịch nói trên là do hàng năm phải đóng một khoản tiền thuê đất không nhỏ khiến vòng quay tái đầu tư và mở rộng quy mô kinh doanh bị hạn chế. Chia sẻ điều này, ông Bùi Văn Đức - Chủ nhiệm Hợp tác xã Voi buôn Jun (huyện Lak) cho biết, trong nhiều năm qua, các xã viên ở đây mong muốn được xây dựng một cơ sở lưu trú, kết hợp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng vì giá đất thuê theo khung quy định của chính quyền địa phương không hề rẻ và cũng không có chính sách ưu đãi nên “lực bất tòng tâm”. Đến giờ, hợp tác xã này vẫn hoạt động, điều hành, phục vụ khách hàng (từ cưỡi voi, ăn uống, nghỉ ngơi…) trong sân vườn và căn nhà rộng chừng vài trăm mét vuông của ông Đức. Đây là vùng đồng bào dân tộc M’nông Gar cư trú và họ sẵn sàng tham gia mọi hoạt động du lịch trên địa bàn trong khả năng, điều kiện cho phép. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền, nhất là đất đai với giá cả hợp lý thì tin chắc “ngành kinh tế không khói” ở đây sẽ có bước phát triển đáng kể, không những góp phần tăng nguồn thu ngân sách, mà còn tạo điều kiện thuận lợi và chính đáng cho người dân nâng cao thu nhập - vị chủ nhiệm Hợp tác xã Voi buôn Jun bày tỏ thêm.

Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như doanh nghiệp lớn còn chưa nhiều, thì tỉnh cần mời gọi, thu hút và kích cầu nội lực tại chỗ nhằm xây dựng, phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và những vùng dân cư khác nói chung bằng chính sách, chủ trương năng động và phù hợp. Từ đó, bức tranh du lịch Dak Lak sẽ sáng rõ hơn, thu hút ngày càng nhiều du khách. Đó cũng là bước đi cụ thể, có ý nghĩa thực tiễn trong lộ trình kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho hoạt động du lịch Dak Lak trong thời gian tới.

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.