Độc đáo chợ một giá và bán đôi ở vùng cao Tây Bắc
Những phiên chợ vùng cao Tây Bắc từ bao đời nay vẫn giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền. Lên vùng cao Tây Bắc, hòa mình vào những phiên chợ rộn rã tiếng nói cười, du khách sẽ cảm nhận được điều khá độc đáo là chợ chỉ bán một giá cho tất cả các mặt hàng và bán phải có đôi.
Chủ nhật là một ngày khá đặc biệt đối với đồng bào vùng cao Tây Bắc. Vì tuần nào cũng vậy, sáng chủ nhật sẽ có chợ phiên, một hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng cao. Từ sáng sớm tinh sương, khi mặt trời còn lấp ló sau những đỉnh núi cao vời vợi, tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường đá, tiếng cười nói, sắc màu thổ cẩm, màu chàm rực rỡ đã hiện diện trên những con đường vào bản… Đó là niềm vui xuống chợ của đồng bào Tày, Dao, Mông.
Chợ phiên Tây Bắc khá đa dạng và phong phú về hàng hóa nhưng bán chủ yếu là sản vật của đồng bào vùng cao như rau xanh, gừng tươi, củ cải, xôi nếp, vịt, gà, cá suối, rau rừng và các loại bánh… Điều khiến cho người lần đầu tiên đến chợ phiên này hay khách du lịch cảm thấy lạ lẫm là cách bán hàng của đồng bào ở một số phiên chợ vùng Tây Bắc. Dù là người Dao, Tày, Nùng, hay Mông, đồng bào đều có một điểm chung là cách bán hàng, đó là họ chỉ bán một giá và bán đôi các món hàng của mình.
Trước khi mang hàng ra chợ bán, đồng bào không dùng cân mà bó, xâu thành từng mớ như bó rau, bó dưa, bó đỗ, xâu măng, gói xôi, cặp bánh. Từ đó, họ định luôn giá của từng mớ hàng và cứ thế phát giá khi khách mua hàng hỏi. Khách chọn hàng một cách thỏa mái, ưng mớ nào, gói nào thì mua. Ở các phiên chợ này, không hề có lời kì kèo ngã giá, mặc cả hay bớt một thêm hai, người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang hàng về cũng không bớt. Thậm chí, khách trả thêm tiền vẫn nhất mực giữ giá đã đưa ra. Vì vậy, đến chợ phiên Tây Bắc, nếu là khách quen thì chỉ có một thao tác là chọn hàng rồi bỏ vào túi chứ không cần phải trả giá.
Bên cạnh việc bán một giá, ở phiên chợ Tây Bắc còn có kiểu bán đôi. Cách bán này chủ yếu được áp dụng cho việc bán những con vật do đồng bào nuôi được. Chẳng hạn, bán đôi vịt, đôi gà, đôi lợn, đôi chó, đôi chim, đôi ngỗng. Khi đến chợ phiên, hiếm thấy khi nào đồng bào tách đôi để bán từng con vật mà chủ yếu là bán cả đôi. Nếu không bán được, đồng bào vui vẻ mang các con vật về, thả ra nuôi tiếp và cuối tuần lại mang ra chợ bán. Người dân vùng cao Tây Bắc chia sẻ rằng, việc bán đôi không phải là cách làm khó cho khách mua mà là xuất phát từ quan niệm nhân sinh được đồng bào gìn giữ từ bao đời nay. Đó là quan niệm về âm dương, về đôi lứa. Cái gì cũng phải đi đôi, như vậy mới có sự phát triển một cách hài hòa.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc