Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ đạp nhà trong phong tục cưới xin xưa của người Cor

06:02, 16/08/2015

Người Cor còn có tên gọi Co, Trầu, Cùa sinh sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Lễ cưới của dân tộc Cor là một trong những lễ thức thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa của tộc người này.

Cưới là việc của cá nhân, gia đình nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Trình tự một nghi thức cưới có thể phân làm ba giai đoạn: lễ đi hỏi, lễ đạp nhà và lễ cưới. Trai, gái người Cor có thể quen biết nhau từ trước, hoặc có thể chưa hề biết mặt nhau mà được gia đình hai bên kén chọn, do ông mai làm mối. Khi trai gái muốn lấy vợ lấy chồng, gia đình hai bên đều chọn cho mình một ông mai để làm “đầu mối” cho mọi lễ thức. Người được chọn làm ông mai có chuẩn riêng, có những điều kiêng riêng; có nơi bên cạnh ông mai chính còn có ông mai phụ. Nếu ở lễ cưới người Kinh, ông mai chỉ đóng vai trò mai mối, thì trong nghi thức cưới người Cor, ông mai đóng vai trò quan trọng hơn nhiều…

Lễ đi hỏi tiếng Cor gọi là hoi pốt kji, diễn ra khá đơn giản. Tham gia lễ đi hỏi, mọi người ăn mặc bình thường, tay cầm giáo, mác, riêng chàng trai đi hỏi vợ ăn mặc đẹp hơn, mặc khố và choàng khăn, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn đựng ít gạo, chai rượu trắng, vai vác giáo (mác) để phòng hờ ở dọc đường. Nếu có rượu đoát thì có thể mang theo rượu đoát, ngoài ra còn có thể mang theo một xâu thuốc lá, trầu, cau, cá… Tại nhà gái, sau những nghi lễ bắt buộc, ông mai nhà gái giới thiệu chủ khách rồi vào thuyết phục cô gái, trong khi ông mai nhà trai kể về những đức tính của chàng trai để thuyết phục nhà gái đồng ý. Đến bữa, nhà gái dọn cơm ra, hai bên ăn uống và tiếp tục chuyện trò vui vẻ. Cha mẹ cô gái sẽ là người quyết định nhận lời nhà trai hay không. Quyết định của cha mẹ cũng tùy thuộc vào quyết định của cô gái. Nếu nhà gái ưng thuận thì cha cô gái sẽ bắt đầu làm lễ cúng cáo ông bà. Trường hợp bên gái không đồng ý thì người ta vẫn mời cơm dọn cho khách, sau bữa cơm mới thông báo cho biết và sẽ không có lễ cúng cáo ông bà, đêm ấy số người đi hỏi vẫn ngủ lại ở nhà gái, chiếc gùi dẹt 3 ngăn với rượu, gạo mang theo vẫn để nguyên để chàng trai mang về nhà mình.

Sau lễ hỏi, nếu được nhà gái ưng thuận và đồng ý thì nhà trai bắt đầu chuẩn bị cho một bước tiếp theo tương tự lễ hẹn ngày của người Kinh trước khi tổ chức đám cưới, đó là lễ đạp nhà (tiếng Cor gọi là hoi joă như). Tại lễ đạp nhà, hai bên chủ yếu bàn việc tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái. Số người đi lễ đạp nhà cũng tương tự như lễ đi hỏi. Lễ vật nhà trai mang theo gồm gạo, thuốc lá, thịt rừng, cá suối với số lượng nhiều hơn lễ hỏi. Mọi người cũng vác giáo mác trên vai và cũng được nhà gái tiếp đón như lần lễ hỏi. Lần này, lễ vật nhà trai mang theo được giao luôn để nhà gái cúng và làm cơm đãi khách. Cơm khách lần này cũng thịnh soạn hơn lần trước. Người ta lại ngồi theo thứ tự, chủ khách đối diện nhau. Ông chủ nhà cha cô gái sẽ rót rượu cúng cáo ông bà. Cô dâu tương lai (a-mưi) cùng mẹ và các chị em lo cơm nước trong bếp. Mọi người ăn uống vui vẻ, cùng bàn bạc việc tổ chức lễ cưới. Sau bữa ăn, nhà gái để dành lại rượu thịt sẵn đem biếu cho các gia đình khác trong nóc. Trong lễ đạp nhà, trai gái hai nóc không còn xa lạ nhau, có dịp cùng uống rượu, chuyện trò. Nếu lễ đạp nhà không đúng vào dịp bận bịu mùa màng thì đàng trai có thể mang theo cồng chiêng để cùng với đàng gái dùng các nhạc cụ a-máp, ta-lía, bró, r’ngoái… giao lưu vui vẻ. Đêm ấy, số người nhà trai lại nghỉ đêm ở nhà gái. Nhà gái lại lấy rượu thịt của nhà mình bỏ vào chiếc kxui pót (chiếc gùi dẹt 3 ngăn) cho chàng trai mang về nhà mình làm lễ. Trong thời gian trước lễ cưới, nếu hai bên có sự cố gì (như nhà có tang) thì phải báo cho nhau biết. Nếu phía nào bội ước thì ông mai đằng nhà kia sẽ đến bắt nhuốc (xử phạt), có thể bằng tiền bạc, chiêng ché, nồi… xong mới chấp nhận cho lấy vợ (chồng).

Từ lễ hỏi đến lễ đạp nhà thường cách nhau khoảng 4, 5 tháng. Còn từ lễ đạp nhà đến lễ cưới lại phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của hai bên. Tuy nhiên, lễ cưới cổ truyền thường được tổ chức sau Tết giã rạ, tức khoảng tháng mười, tháng mười một âm lịch, khi mùa màng đã xong xuôi, mọi người rảnh rỗi…

Lễ đạp nhà trong phong tục cưới của người Cor là một lễ tục đẹp và giàu bản sắc văn hóa thể hiện gắn bó cộng đồng, sự tôn vinh đức tính chăm chỉ, cái đẹp của tình yêu trong sáng giữa đôi trai gái cùng hòa quyện trong niềm vui và lòng tin tưởng ở đời. Tuy nhiên ngày nay, nghi thức cưới xin truyền thống của người Cor hầu như đều tổ chức theo kiểu mới của người miền xuôi, phần nào đã phôi pha bản sắc văn hóa vốn có xưa kia.

Hà Đông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.