Multimedia Đọc Báo in

Voi con - báu vật của đại ngàn

06:07, 23/08/2015

Voi rừng thường sống thành từng đàn, mỗi đàn ngày xưa thường rất đông, có đến vài chục con, đàn ít cũng dưới 10 con. Trong đàn bao giờ cũng có voi đực trưởng thành và rất khỏe, là “vệ sĩ” của cả đàn voi, một số voi cái, voi anh chị em và voi con. Khi đi kiếm ăn, voi cái thường đi trước, voi con đi giữa và voi đực đi sau. Sự xuất hiện voi con trong một bầy đàn chứng tỏ đàn voi đó có sự sinh sôi nảy nở, sinh trưởng tốt, đảm bảo sự duy trì, phát triển thành bầy đàn.

Voi cái ở tuổi 30 trở lên bắt đầu động dục và sinh con. Chúng mang thai từ 18 - 22 tháng thì đẻ. Khoảng cách mỗi lứa đẻ từ 5-7 năm, mỗi lứa chỉ đẻ một con. Mặc dù sau khi đẻ vài giờ đồng hồ, voi con có thể đứng dậy và đi lại được, trọng lượng chừng 80 kg nhưng vẫn hoàn toàn rất trẻ con. Voi con từ khi mới lọt lòng luôn được sự bảo bọc của đàn, luôn quấn quýt bên voi mẹ. Sau khoảng 2 năm bú mẹ, voi con dần dần bú ít hơn và tập ăn các loại cỏ non. Khi voi con ngủ, voi mẹ đi vòng quanh bảo vệ con. Nếu phải đi qua một con sông, hai con voi cái sẽ lấy vòi nhấc bổng voi con qua sông để nó không bị ướt. Voi mẹ cũng thường xuyên chăm sóc, vuốt ve con. Nếu bị tấn công, voi lớn vây quanh bảo vệ voi con. Đến khi trưởng thành (khoảng 12 tuổi), voi con mới có khả năng sống tự lập. Lúc đó, voi con tự nguyện ghép mình vào đàn mới, chịu sự điều khiển của con voi cái khác và sự bảo vệ của voi đực đầu đàn để kiếm ăn, tập luyện các thế võ bảo vệ bầy đàn và tự vệ, đủ sức để không bị các loài thú khác bắt nạt.

Người M’nông vốn nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Người ta dùng những con voi nhà thiện chiến để bắt voi rừng. Dưới sự điều khiển của các gru, voi chiến vây hãm voi đầu đàn lại, để cho các con voi khác rượt đuổi voi rừng. Người quăng tròng luôn bám sát voi con đang chạy theo voi mẹ. Voi con chạy một lúc tỏ ra mệt, loạn nhịp bước. Đoàn săn cố làm sao tách được voi mẹ chạy theo đường khác bằng voi phụ trợ, còn voi chính sẽ đuổi theo voi con, dùng dây tròng móc lấy chân sau của voi con. Khi móc được rồi để cho voi con chạy thêm ít bước nữa, lựa một cây to nào đó trên đường chạy, nhanh chóng quăng dây cột lại, voi con chạy vòng theo thân cây như tự trói mình tại chỗ. Khi bắt được voi con, thợ săn cứ cột con voi tại đó, đoàn voi nhà tiếp tục đuổi đàn voi rừng để bắt con khác nếu trong đàn voi rừng còn có nhiều voi con. Người ta chỉ bắt con voi con tối đa cao ba hắt (đơn vị đo lường của người M’nông được tính từ cùi chỏ đến ngón tay giữa duỗi thẳng) hoặc nhỏ hơn. Nếu voi con mà đã lớn cao hơn ba hắt, tức chiều cao từ 1,5-1,7 mét thì không bắt nữa vì về nhà khó thuần dưỡng được. Khi bắt được voi con, người ta chưa cho vào làng ngay mà cột voi con cách xa làng khoảng một vạt rẫy. Voi nhà cũng cột tại đó để giữ voi con. Sáng hôm sau, người ta mang con lợn, ché rượu đến nơi cột voi con  để cúng tạ ơn thần, xong tập luôn ngoài rừng, sau đó mới dẫn về làng tập tiếp. Tập cho đến khi nào voi con biết nghe lời người điều khiển thì cúng tạ ơn thần Nguăch Ngual một con trâu và bốn ché rượu. Người ta cho voi ăn cháo và những hoa quả ngọt để chúng mau lớn.

A2 Voi con- Người bạn của trẻ em.jpg
Voi con - Người bạn của trẻ em.

Người M’nông nuôi voi không thích cho voi đẻ, có lẽ vì trước đây voi con có sẵn trong rừng, chỉ cần đi săn bắt về để thuần dưỡng. Theo quan niệm của đồng bào, voi con do voi nhà sinh ra rất phức tạp, nếu không được uốn nắn, nuôi dạy cẩn thận thì nó rất nguy hiểm. Lúc còn nhỏ voi con rất ngoan, nhưng khi lớn lên nó thường dở chứng, phá phách lung tung, có thể gây ra chết người và làm hại tài sản, hoa màu. Cho nên trước đây, nguồn voi con mà đồng bào sở hữu chủ yếu nhờ săn bắt. Những năm cuối thế kỷ 20, ta thường thấy voi con trong đàn voi nhà ở Buôn Đôn, Ea Súp. Trẻ em thường gần gũi với những chú voi, vừa chơi cùng vừa tắm táp, vuốt ve nó. Lễ hội voi hằng năm đều không thể thiếu những chú voi con theo mẹ đi diễu hành, thực hành các trò diễn. Chúng tinh nghịch, đùa giỡn rất đáng yêu. Do đó, từ người lớn đến trẻ con đều thích thú khi được ngắm nhìn những chú voi con. Nó đã đi vào thơ ca, nhạc họa, nhiếp ảnh... mà tiêu biểu là bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Ngày nay, voi con hiếm thấy trong đàn voi nhà Tây Nguyên. Trong khi voi nhà hầu như không sinh sản được thì voi rừng vẫn cho ra đời những chú voi con. Như vào năm 2014, đàn voi rừng xuất hiện tại thị trấn Ea Súp gồm 20 con, có cấu trúc quần thể cân đối, có đầy đủ voi đực voi cái, voi trưởng thành và cả voi mới sinh. Voi con mới sinh nặng chưa đến một tạ lần đầu tiên xuất hiện cùng đàn là tín hiệu vui cho thấy hiệu quả của công tác bảo tồn voi hoang dã ở Dak Lak. Tuy số lượng cá thể voi con đang tăng lên nhưng chúng đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại do nạn săn bắn, đặt bẫy. Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak đã phát hiện kịp thời và cứu hộ, chăm sóc những chú voi bị thương do mắc bẫy. Đó là voi Cu Sứt Anh (5 tuổi) bị bẫy thép, được Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak cứu hộ, chăm sóc 1 tuần rồi thả về rừng vào tháng 5-2013. Năm 2015, voi Cu Sứt Em (3 tuổi) được nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak phát hiện khi đang bị thương rất nặng, các móng chân trước bên trái của nó đều bong mất, bàn chân sưng tấy, có ổ mủ lớn, vòi thủng một lỗ. Nó đang được Trung tâm nuôi dưỡng trong vạt rừng ngay sau trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn, sẽ được thả về rừng khi vết thương lành hẳn. Việc cứu trợ voi con trường hợp trên rất khoa học, kịp thời, thể hiện trách nhiệm của ngành chức năng và sự quan tâm của các cấp chính quyền nơi sở hữu đàn voi rừng

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.