Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả tích cực trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống

09:52, 13/10/2015
Trong những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ tỉnh còn quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn.

Nghệ nhân Y Ưng Bdap ở buôn H’ra Ea Tlă, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) không giấu được sự vui mừng khi chính quyền địa phương tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn. Ông từng rất lo lắng vì nhiều loại hình văn hóa du nhập khiến thanh niên “quên” mất tiếng chiêng của ông bà, có nhà vài năm trước đây thậm chí còn đem bán đi những bộ chiêng, ché quý, nhiều nghi lễ - lễ hội truyền thống cũng không còn được duy trì, những đêm kể khan (hát kể sử thi) cũng không thấy ở buôn làng nào nữa... Vì thế, việc Nhà nước tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ, phục dựng một số nghi lễ - lễ hội truyền thống, sưu tầm sử thi khiến nghệ nhân Y Ưng tin rằng văn hóa truyền thống của dân tộc mình sẽ không mai một...

Đội chiêng trẻ buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) biểu diễn chiêng đồng.
Đội chiêng trẻ buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) biểu diễn chiêng đồng.

Có thể nói, những kết quả đáng phấn khởi trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc của tỉnh thời gian qua đã mang lại niềm hy vọng cho những nghệ nhân như Y Ưng và những người nặng lòng gắn bó với văn hóa truyền thống. Tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk”. Từ việc tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng hơn 300 đội chiêng trẻ (từ 12 – 18 tuổi) với 2.100 em tham gia. Bên cạnh đó, hằng năm các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng thu hút hàng trăm đội cồng chiêng, hàng nghìn nghệ nhân và cộng đồng buôn làng tham gia; các liên hoan dân ca, dân vũ, hoạt động “buôn vui chơi, buôn ca hát” cũng được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát, thống kê các nghi lễ - lễ hội truyền thống liên quan đến không gian di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; qua đó, một số nghi lễ - lễ hội được phục dựng, duy trì đều đặn như: lễ cúng bến nước; lễ kết nghĩa anh em; lễ cưới của người M’nông Gar tại huyện Lắk;  lễ ăn cơm mới của người Êđê ở huyện Krông Búk; cúng hồn lúa của người  Êđê tại huyện Krông Bông… Không chỉ bảo tồn văn hóa các dân tộc tại chỗ, một số địa phương cũng đã chú trọng đến các hoạt động lưu giữ, duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa của các cộng đồng dân tộc di cư từ phía Bắc như: Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng), lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông), lễ hội khai hạ đầu năm của người Mường ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)…

Bên cạnh đó, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản sử thi, truyện cổ, lời nói vần, nhạc cụ dân tộc… cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, tỉnh ta đã sưu tầm và thống kê được trên 70 sử thi Êđê, 145 sử thi M’nông, 7.500 trang truyện cổ Êđê, 9.000 trang truyện cổ M’nông; biên dịch và xuất bản 12 tập truyện cổ Êđê, 8 truyện cổ M’nông; sưu tầm được hơn 50 loại nhạc cụ dân tộc Êđê, M’nông, đồng thời phục hồi, chế tác đưa vào sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ tiêu biểu... Ngoài ra, ngành văn hóa tỉnh còn phối hợp với các viện nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học sưu tầm, nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ; trang phục đồng bào các dân tộc; văn hóa ẩm thực; làng nghề truyền thống…

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng được tỉnh quan tâm. Ngành văn hóa tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam điều tra, khai quật hàng chục di chỉ khảo cổ của người tiền sử trên địa bàn tỉnh có niên đại từ 2.500 – 3.000 năm, đưa vào Bảo tàng tỉnh hơn 10.850 hiện vật. Song song đó, tỉnh đã lập hồ sơ các di tích tiềm năng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia; đồng thời bảo quản, trùng tu, đưa vào khai thác hiệu quả.

 Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.