Multimedia Đọc Báo in

Rong ruổi giữa mùa vàng Tây Bắc

07:18, 11/10/2015
Nắng thu vàng hòa vào sắc vàng, sắc hồng, hương vị thơm nồng của lúa chín và mùi thơm lừng lựng của những trái sơn tra, trái cam sành đã mang đến cho Tây Bắc một sắc màu mới. Những cung đường Tây Bắc mùa này như được choàng lên chiếc áo đượm sắc vàng. Trong cái se se của tiết trời mùa thu, làm một chuyến phượt lên Tây Bắc để rong ruổi cùng mùa vàng thì thú vị biết mấy.

Có nhiều cách để đến Tây Bắc giữa mùa vàng. Bạn có thể chọn đi xe đạp, xe máy hay ô tô tùy điều kiện và sở thích. Tuy nhiên, chọn phương tiện xe máy là hợp lý nhất vì đây là phương tiện khá phù hợp với những cung đường uốn lượn, hiểm trở của Tây Bắc. Người đi có thể rong ruổi dọc đường, dừng lại bất kỳ lúc nào để chiêm ngưỡng cảnh, nghỉ chân hay ngủ tối một cách dễ dàng.

“Biển vàng” ruộng bậc thang.
“Biển vàng” ruộng bậc thang.

Tây Bắc mùa này có nhiều nơi để đến, những địa danh đẹp đến mê hồn nhờ sắc vàng của mùa hoa trái, của lúa đang phô diễn dưới cái hanh hao của sắc thu. Nếu chọn điểm đến là Hà Giang, nơi địa đầu của đất nước, du khách sẽ trầm trồ trước bạt ngàn hoa tam giác mạch - loài hoa do đồng bào Mông trồng trên những triền núi; ngược lên Hoàng Su Phì để ngắm sóng lúa ruộng bậc thang đang miên man sắc vàng, lên Đồng Văn du ngoạn cao nguyên đá… Mùa này, Hà Giang tiết trời mát mẻ, buổi tối có cảm giác se lạnh. Chọn cung đường Yên Bái - Tú Lệ - Mù Cang Chải cũng là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đam mê cảnh sắc vùng cao. Cả một không khí lễ hội với điệu xòe Nghĩa Lộ, rượu thóc Tú Lệ, thú nhảy dù ruộng bậc thang dưới chân núi Khau Phạ khiến du khách không cảm thấy thất vọng khi lựa chọn hướng “phượt” này. Ngược lên Mù Cang Chải ngắm kỳ quan ruộng bậc thang tuyệt đẹp và lộng lẫy sắc vàng. Đi sâu vào La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì cả một thiên đường ruộng bậc thang mượt mà, tuyệt đẹp hiện ra trước mắt.

Mùa hoa cải vàng Tây Bắc
Mùa hoa cải vàng Tây Bắc

Nếu muốn có cảm giác được tận hưởng cái lạnh đến thấu da thịt thì bạn nên chọn cung đường Sa Pa, nơi trời đất giao hòa, sương núi chờn vờn, khí trời mát lạnh. Mùa này, Sa Pa đẹp đến mê hồn với sắc vàng của ruộng bậc thang hòa vào sắc màu thổ cẩm nơi chợ phiên. Thú nhất khi đến Sa Pa là ban ngày leo lên đỉnh núi Hàm Rồng để ngắm biển mây bồng bềnh dưới thung lũng, đi xe máy vào trong những bản làng. Tối về ngâm mình trong thùng nước lá thuốc của người Dao để lấy lại cảm giác nhẹ nhõm và thưởng thức món cá hồi nướng.

Tây Bắc mùa này còn vàng tươi bởi hoa trái. Đây là thời điểm bắt đầu mùa hoa cải, một loài hoa của người Mông mang đến sắc vàng rực khắp triền non. Có gì thú vị hơn khi dạo bước trên con đường mòn giữa những vạt cải nương đang bung nở. Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa mang sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa thu.

Thu về nơi miền Tây Bắc xa xôi, hương vị thơm lựng của những trái sơn tra khiến cho không gian thêm đậm sắc màu. Ở Tú Lệ, Sa Pa, Mù Cang Chải, đồng bào Mông lên núi hái những quả sơn tra vàng óng ả, cho vào gùi mang xuống bán tại chợ phiên. Một thứ quả đặc sản chỉ có ở miền sơn cước này. Tây Bắc có những đặc sản đậm đà dư vị, thưởng thức dù chỉ một lần mà như mãi mãi không quên. Nào lợn cắp nách, cá suối nướng, gà đen rang gừng, thịt trâu sấy gác bếp, thịt lợn hun khói rồi cả những nồi thắng cố ngựa nghi ngút khói giữa chợ phiên… Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa hồng, tự tay mình nướng những món ăn vừa lạ vừa thơm ngon để thưởng thức.

Dọc hành trình, khi trời tối, bạn có thể dừng chân nơi bản làng, ngủ trọ trên những căn nhà sàn thơ mộng bên ven suối và được đồng bào tiếp đón nồng hậu. Hoặc có thể bất chợt gặp một khách sạn nhỏ xinh dưới chân núi giữa tán rừng xanh rồi ngả mình sau một chặng đi dài. Trong chập chờn giấc ngủ, tựa hồ vẫn lắng nghe được tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót trong đêm và cả tiếng gà rừng eo óc. Hoang sơ và trong lành đến vậy mùa vàng Tây – Bắc sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên.

 Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.