Độc đáo lễ viếng đám ma của người Tày vùng Tây Bắc
Mỗi khi gia đình người Tày vùng Tây Bắc có người qua đời, anh em, dòng họ đến viếng với lễ vật được chuẩn bị khá độc đáo. Không phải là đồ mua ở hàng quán, đồ lễ viếng đám ma được người Tày tự làm và gửi gắm vào đó những quan niệm nhân sinh…
Khi nghe tin người trong dòng họ qua đời, tất cả các gia đình người Tày trong họ tộc tập trung ở nhà trưởng họ để bàn bạc về thời gian tổ chức đến viếng và giúp đỡ gia đình người chết. Quan trọng hơn cả là việc làm đồ lễ để đến viếng người trong dòng họ. Đồ lễ viếng đám ma của người Tày Tây Bắc được chuẩn bị khá cầu kỳ, được làm từ chính bàn tay của những người trong dòng họ và gửi gắm trong đó nhiều quan niệm gắn với truyền thống văn hóa.
Đồng bào Tày chuẩn bị đồ lễ viếng đám ma. |
Để hoàn thành một lễ viếng theo phong tục và tập quán, người Tày phải tập trung trước một ngày tổ chức đi viếng. Ngay từ sáng sớm, sau khi có đông đủ anh em từ các gia đình trong dòng họ, ông trưởng họ phân công cho mỗi thành viên một việc để chuẩn bị làm đồ lễ. Người dệt tấm thổ cẩm nhỏ, người lên rừng chặt tre nứa, người đi bắt gà, người ra suối bẫy cá, người giã bột để làm bánh… Tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người Tày được thể hiện ngay trong quá trình làm đồ lễ viếng. Trong vòng một ngày, đồ lễ mang đi viếng người chết trong dòng họ phải được hoàn thiện. Vì vậy, những người trong dòng họ làm việc hết sức khẩn trương. Đồ lễ của người Tày vùng Tây Bắc khá độc đáo, được làm từ những nguyên vật liệu trong đời sống thường nhật và gắn liền với cuộc sống của người chết khi còn sống như cây hoa, tấm thổ cẩm, cành phướn, bánh nếp... Để làm được cây hoa, người Tày dùng thân một cây chuối non to bằng cổ tay sau đó bọc giấy trắng xung quanh rồi tạo những cành cây bằng thanh tre nứa nhỏ được trang trí trên đó những bông hoa giấy nhiều màu và lõi của cây sắn nhuộm phẩm xanh đỏ. Tấm thổ cẩm là vật rất quan trọng trong đồ lễ viếng người chết bởi thổ cẩm là vật gắn liền với đời sống văn hóa mang bản sắc của người Tày nên khi dòng họ có người qua đời, người ta dệt một tấm thổ cẩm truyền thống nhiều màu để viếng với quan niệm tấm thổ cẩm sẽ che chở và sưởi ấm cho linh hồn của người chết. Cành phướn được làm hoàn toàn bằng giấy trắng, hình trụ, có tua rua ở dưới và hình thù suối, núi, nhà cửa, con vật được cắt hình ở phần thân. Cành phướn với quan niệm sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của người chết. Bánh nếp thì được làm từ bột gạo nếp, to bản và có màu trắng hoặc được nhuộm màu từ lá cây rừng. Mỗi lễ viếng có từ 4-5 chiếc bánh và được gắn vào lễ theo vòng tròn. Bánh nếp được làm với quan niệm tượng trưng cho hình tròn của trời và là nguồn ngũ cốc nuôi sống con người khi sống.
Ngoài những lễ vật trên, người Tày khi đi viếng đám ma còn chuẩn bị những con vật như con lợn cắp nách, gà nhỏ, cá suối nướng cùng các loại hoa quả như chuối, cam, dứa… với mong muốn cuộc sống dương gian sẽ còn sinh sôi, nảy nở mãi mãi. Người Tày quan niệm, khi người còn sống ăn gì, mặc gì và dùng những vật gì thì khi chết đi, lễ viếng cũng gồm những đồ vật vừa giản dị vừa gắn liền với đời sống thường ngày.
Sau khi đã hoàn thiện xong những đồ lễ trên, người Tày xếp đồ lễ vào làn hoặc cầm trên tay, những người trong dòng họ cùng nhau đi đến nhà người chết. Đến đầu cổng, trước khi viếng, họ tập trung để xếp đồ lễ cho đúng nghi lễ. Đầu tiên, họ dùng một đế vuông bốn góc đan bằng nứa cao chừng 60-70 cm, sau đó lấy tấm thổ cẩm bọc xung quanh cho kín; tiếp đến là dùng dây xâu những chiếc bánh nếp thành vòng tròn và treo xung quanh giá đỡ. Ở chính giữa giá đỡ cắm cây hoa giữa một chiếc bánh được cắt tỉa xung quanh hình răng cưa. Cành phướn được treo trên một cành tre nhỏ, cao quá đầu người, lợn, gà nhốt trong lồng đan bằng tre nứa. Tất cả công việc hoàn thành, anh em trong dòng họ mới bước chân vào nhà than khóc và tiến hành lễ viếng.
Lễ viếng đám ma của đồng bào Tày Tây Bắc vừa thể hiện sự tiếc thương, tri ân của người sống đối với người chết, vừa gắn liền với quan niệm nhân sinh của đồng bào, thể hiện mong ước về sự hồi sinh, may mắn trong cuộc sống.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc