Multimedia Đọc Báo in

Thăm thạch động tự xứ Quảng

11:23, 29/11/2015
Thạch động tự (Chùa Hang) nằm trong một hang đá tự nhiên ẩn mình trong một ngọn núi có tên là Hòn Bà thuộc thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), cách thị trấn Núi Thành 2,5 km theo đường chim bay. Đây là một di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Nam.

Từ chân núi muốn lên được Chùa Hang phải leo núi gần 3 km. Xung quanh chùa được bao bọc bởi nhiều cây rừng rậm rạp, xa khu dân cư nên nơi đây rất thanh tịnh, ít người lui tới. Chùa có diện tích không rộng lắm, sân phía trước chùa rộng khoảng 30m2 được trồng nhiều loại cây ăn quả như ổi, mít, xoài, mận... Vào chùa phải qua một chiếc cổng được xây dựng khá đơn giản, bên trên cổng đắp nổi các chữ “Thạch động tự”.

Núi Hòn Bà nơi có Thạch động tự.
Núi Hòn Bà nơi có Thạch động tự.

Theo truyền thuyết dân gian còn lưu truyền đến ngày nay và theo các vị cao niên trong vùng thì trước kia, khi vùng này là một vùng đồi núi hoang sơ, rậm rạp, có một nhà sư không rõ danh tính, quê quán trên đường đi khất thực ngang qua nơi đây, thấy phong cảnh hữu tình, cảnh quan thanh vắng nên đã dừng lại tìm chỗ dựng chùa để tu hành. Nơi ông lập chùa là một chiếc hang đá tự nhiên nằm ẩn mình trong núi. Từ đó nhân dân trong vùng gọi ngôi chùa do nhà sư lập nên là Chùa Hang và tên gọi này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Thạch động tự nằm sát chân núi Hòn Bà, phía sau chùa là một tảng đá tựa như hình con heo, đứng xa hàng chục cây số ta vẫn thấy được ngọn núi này; dựa vào hình dáng dân địa phương gọi là núi Con Heo, hay còn gọi là núi Hòn Bà. Gọi là “chùa”, nhưng chỉ là một tảng đá to, nhìn từ xa tựa như một chiếc thúng úp ngược, phía trước tảng đá có một cái ngõ rộng đủ để 2 người ra vào, cửa hang xây theo hướng Đông Bắc hứng những cơn gió biển dịu mát vào những ngày hè. Hang có dạng hình thang với chiều rộng các vách hang lần lượt là 12 m, 14 m, 12 m và 4 m. Chính giữa hang là một bệ thờ lớn được xây trên một tảng đá tự nhiên rộng và tương đối bằng phẳng. Bên phải hang có 5 bàn thờ và bên trái có 2 bàn thờ. Tất cả đều được đặt trên các bệ đá phẳng mà thiên nhiên đã tạo nên. Gần các bàn thờ bên phải có một vũng nhỏ lõm sâu gọi là giếng nước nhỏ, đường kính miệng giếng độ 0,4m, sâu chừng hơn 0,6m và đặc biệt quanh năm luôn đầy nước.

Theo các vị cao niên sinh sống dưới chân núi Hòn Bà, xưa kia khu vực xung quanh chùa có cây cối um tùm, nhiều cây hàng trăm năm tuổi, như cóc, xoài, sơn, lim, gõ và đủ loại thú rừng, chim muông. Phía Đông và Đông Bắc, cách chân núi chừng 500 mét là vùng cát trắng chạy đến tận Biển Rạng, tuy bờ biển cách xa hàng chục cây số nhưng đứng trên hang đá hướng tầm mắt về phía biển vẫn thấy thuyền buồm, tàu cá. Phía Tây và Tây Nam là núi rừng bao la, dưới chân núi là cánh đồng lúa mênh mông, xanh mướt ngút ngàn và khu vực dân cư.

Chùa Hang được biết đến nhiều bởi gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã được chọn làm địa điểm để tổ chức một hội nghị quan trọng trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Do nằm ở địa điểm cheo leo, hiểm trở, ít người qua lại nên vào tháng 11-1940, một Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam mở rộng được tổ chức tại Chùa Hang một cách bí mật và an toàn tuyệt đối.

Hiện nay, Chùa Hang là nơi có phong cảnh hữu tình với núi rừng bao quanh và có nhiều hang đá, dốc đèo rất ngoạn mục. Chùa Hang cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.

Mai Hồng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.