Multimedia Đọc Báo in

Vui với Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Thái ở Cư M'gar

06:56, 15/11/2015
Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm một lần, đồng bào buôn Thái tại xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar lại tổ chức Lễ hội mừng lúa mới tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn. Đây là lễ hội truyền thống của người Thái được tổ chức vào giữa mùa gặt để tạ ơn trời đất, ông bà, tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cũng là dịp để bà con vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ.
 Mọi người cùng nhau kết thành vòng xoang đoàn kết trong  ngày hội.
Mọi người cùng nhau kết thành vòng xoang đoàn kết trong ngày hội.

Năm nay, lễ hội diễn ra trong một ngày (7-11) với hai phần: lễ và hội. Trong đó, phần lễ gồm các nghi lễ cúng mừng lúa mới, tạ ơn trời đất, diễn tấu cồng chiêng; phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian và giao lưu ẩm thực đã thu hút đông đảo bà con trên địa bàn đến vui với lễ hội. Nổi bật trong lễ hội là cây nêu cao từ 15-20m, được dựng lên ở giữa phần đất trung tâm, trên cây nêu người ta treo các con thú tượng trưng như chim ri, sóc, khỉ… (người Thái quan niệm rằng, những con vật có lợi hoặc không có lợi cho cây trồng của họ đều được mời về ăn lễ), dưới gốc nêu là các loại cây trồng như lúa, mía, chuối…  Mâm lễ tế được bày ra ngay sát cạnh cây nêu, gồm xôi được nấu từ gạo nếp mới gặt, thủ bò, hai gánh lúa mới, thịt bò để chế biến thành các món ăn (bò là vật thiêng trong các dịp lễ quan trọng của người Thái), rượu cần… để dâng cúng lên tổ tiên. Người Thái tin rằng, dù mùa màng năm đó có được như mong đợi hay không thì họ vẫn bày lễ để cảm tạ trời đất, tổ tiên, tỏ lòng thành kính của con cháu. Mùa cũ đang đi qua, họ cầu cho mùa tiếp theo sung túc, gặp nhiều may mắn hơn. Lễ tế do thầy cúng (thường là già làng trong buôn) đảm nhận.  Vào lễ , thầy cúng đọc lời khấn: “Tạ ơn thần đất, thần nước, ông bà, tổ tiên, cỏ cây, thú vật… đã giúp cho hạt lúa, hạt ngô, cây chuối, mía của bà con trong buôn trồng xuống đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở. Cầu xin các vị thần tiếp tục phù hộ cho những năm tiếp theo mưa thuận gió hòa, nước vào đầy ruộng, thóc lúa đầy bồ; cầu cho mọi người sức khỏe, xóm làng bình yên no ấm, mùa màng bội thu…”. Sau phần lễ trang trọng, mọi người bắt đầu vào phần hội, có lẽ đây là phần được mong chờ và náo nhiệt nhất của lễ hội với các trò chơi dân gian như múa xòe, nhảy sạp, ném còn, tòn lòng (gõ máng), múa trống… Từ xa, chỉ cần nhịp khua của điệu nhảy sạp truyền thống cất lên cùng với tiếng gõ nhịp tòn lòng đã làm cho không khí của một hội mùa miền Tây xứ Nghệ tràn về, khiến lòng người càng thêm phấn chấn. Già trẻ, trai gái lại súng sính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, cùng nhau kết thành vòng xoang quanh cây nêu và cất lên tiếng hát, điệu múa làm say lòng người. Đẹp và duyên dáng nhất có lẽ phải kể đến những cô gái Thái rực rỡ sắc màu của bộ xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng cúc bướm), xài ẻo (thắt lưng) và xỉn (váy) nhịp nhàng từng bước theo điệu nhảy sạp…  khiến ai đã một lần đến với lễ hội không khỏi ngỡ ngàng. Hội tung còn có lẽ là phần sinh động, vui nhộn nhất tại lễ hội và thu hút khá nhiều người tham gia. Một cây còn bằng tre cao hơn 15 mét, ở giữa gắn vòng tròn có tâm màu đỏ được dựng lên; già, trẻ, gái trai cố rướn người, thi nhau tung sao cho quả còn (được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc) có đường đi đẹp nhất và trúng vào hồng tâm. Ném còn cũng là dịp để trai gái gặp gỡ, bày tỏ tình cảm và xe duyên cho nhiều mối tình thêm thắm. Bác Ngân An (dân tộc Thái) cho hay: Xa quê đã lâu, giờ lại được nghe các điệu hát, múa của quê hương, bác thấy trong lòng có một cảm xúc thật khó tả, như đang ở chính trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình vậy.  Nhờ có lễ hội mà bác như đã tìm về với chính cội nguồn, thấy ấm lòng mình hơn… Lễ hội mừng lúa mới còn là dịp để du khách biết đến và thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống đặc trưng của người Thái trong các dịp lễ, tết như khẩu nướng (xôi), khẩu hàn (cốm), chỉn giáng (thịt bò xông khói), tải pơ ooc (bò tái trộn lá chua), pá pỉnh (cá nướng),  rượu cần…

Điệu nhảy sạp truyền thống của dân tộc Thái.
Điệu nhảy sạp truyền thống của dân tộc Thái.

Hiện buôn Thái có 195 hộ, trong đó có trên 85% là đồng bào Thái. Lễ hội mừng lúa mới được người dân ở đây coi là ngày hội lớn của buôn, sau Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc Việt. Theo ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Cư M’gar, từ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp đã hơn 20 nhưng người Thái ở đây vẫn lưu giữ và phát huy những nét đặc sắc, tốt đẹp trong văn hóa, phong tục, ẩm thực của dân tộc mình trên miền đất mới. Lễ hội được coi là điểm nhấn về văn hóa và góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc  anh em trên quê hương mới.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.