Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo gìn giữ trang phục người Dao

09:54, 28/12/2016
Thôn Đồng Dao, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) có hơn 90% là đồng bào dân tộc Dao đỏ di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống.
 
Người Dao ở đây còn duy trì nhiều phong tục văn hóa dân tộc độc đáo như cưới hỏi, lễ cúng gia tiên, lễ cúng được mùa, mừng tết độc lập, lễ cấp sắc… Trong đó không thể không kể đến văn hóa thêu thùa trang phục. Là người nặng lòng, yêu văn hóa dân tộc, gần 20 năm nay bà Triệu Thị Mai (SN 1951, ở thôn Đồng Dao) vẫn cần mẫn dệt, thêu trang phục truyền thống của đồng bào mình.
Bà Triệu Thị Mai đang thêu hoa văn  trên trang phục.
Bà Triệu Thị Mai đang thêu hoa văn trên trang phục.

Dù đôi chân đã mệt, cánh tay đã mỏi, mắt đã mờ phải đeo kính nhưng bà vẫn chưa thôi duy trì công việc thêu dệt. Mở quán tạp hóa nhỏ giữa thôn kiếm tiền sinh hoạt; tranh thủ thời gian rảnh bà lại may, thêu trang phục. Bà kể, ngày xưa nhà bà nghèo lắm. Lên 15 tuổi, học hết lớp 2 cha mẹ đã bắt lấy chồng. Sinh hạ liên tục sáu người con, cuộc sống lam lũ nghèo đói vẫn bám riết lấy gia đình bà. Sẵn nghề thêu thùa do mẹ truyền lại, bà Mai may trang phục quần áo theo phong tục để bán. Bà tâm sự: “Quần áo các con từ nhỏ đến lớn đều tự tay tôi may. Phụ nữ người Dao ai cũng được bà, được mẹ truyền dạy lại cách thêu thùa quần áo, khăn, mũ cho các thành viên trong nhà. Khi chúng đi lấy chồng, làm dâu nhà người ta phải biết thêu may quần áo cho chồng, con và gia đình chồng. Giờ cuộc sống hiện đại, không mặc trang phục dân tộc thường xuyên thì ít nhất trong dịp lễ tết phải có, nhất là con gái khi đi lấy chồng phải có một bộ trang phục mới. Nếu không tự may thì phải đặt mua, coi như đó là của hồi môn”.

Trang phục của người Dao đỏ rất độc đáo và ấn tượng. Những họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng… Người Dao quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống, ngoài ra còn mang thêm năng lượng, sức sống và hơi ấm cho núi rừng nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần-áo, khăn, thường là hình quả trám, chữ vạn, hoa lá, cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên đã nuôi sống con người. Trước đây, ngày nào người Dao cũng đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình, nhưng giờ hiếm lắm, họ chỉ mặc vào dịp lễ tết. Tất cả trang phục, quần áo khăn mũ… đi lễ du xuân đều do các chị em tự tay thêu. Đến thôn Đồng Dao vào những ngày tết, khách nơi xa không khỏi choáng ngợp trước sắc màu rực rỡ tỏa ra từ những bộ trang phục độc đáo của người Dao xen lẫn sắc nắng ngày xuân.

Không muốn bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị mai một, bà Mai đã nỗ lực truyền dạy lại cho con cháu trong nhà cũng như các cô gái trẻ trong thôn cách thêu thùa trang phục truyền thống. Bà giảng giải về ý nghĩa của từng nét hoa văn, từng đường kim mũi chỉ, cách kết hợp màu sắc của các sợi len để làm nên nét hấp dẫn của bộ trang phục truyền thống.

Bà Triệu Thị Nhung, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Dao cho biết: “Bà Triệu Thị Mai là một người nặng lòng với việc gìn giữ và bảo tồn trang phục của người Dao. Dù đã cao tuổi, sức khỏe yếu, mắt kém nhưng bà vẫn miệt mài, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ để làm ra những bộ trang phục truyền thống, trong thôn hiếm có ai làm được như vậy. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nếu như người Dao nào cũng có ý thức bảo tồn, gìn giữ văn hóa như bà Mai thì sẽ không sợ mai một”.

 Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.