Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân Đắk Lắk "trông người mà ngẫm đến ta"!

08:45, 05/12/2015
Một nguồn quỹ hỗ trợ cho những nghệ nhân lớn tuổi ở tỉnh Gia Lai vừa được giới nghiên cứu văn hóa dân gian và các doanh nghiệp ở đây tự nguyện thành lập đã nhanh chóng thu hút mối quan tâm, đồng tình của nhiều người đối với vấn đề bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của các tộc người thiểu số Tây Nguyên.

Theo Th.S Nguyễn Quang Tuệ - Sở VH-TT-DL Gia Lai, mặc dù kinh phí không nhiều; hoạt động của nguồn quỹ nói trên không được rộng rãi và thường xuyên, nhưng có thể nói ở khía cạnh nào đó đã thật sự giúp đỡ, khuyến khích kịp thời, hiệu quả cho không ít nghệ nhân đang nắm giữ nguồn mạch văn hóa quý báu của dân tộc mình. Từ khi nguồn quỹ được thành lập (khoảng giữa năm 2015), nhiều nghệ nhân già hát kể sử thi người Gia Rai, Ba Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai được đón nhận, thụ hưởng sự quan tâm, giúp đỡ này. Ví như cụ Ơi Lách, cụ Siu Kin ở huyện Ayun Pa đã trên dưới 70 tuổi vẫn âm thầm “truyền lửa” cho lớp trẻ hát kể H’mon (sử thi), góp phần tiếp nối dòng chảy văn hóa ngàn đời của tổ tiên, ông bà để lại… Giờ đây, các cụ được hỗ trợ thêm nguồn lực trên thì việc gìn giữ và đưa sử thi trở lại với đời sống buôn làng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.  

Được biết, ý tưởng tạo lập nguồn quỹ này bắt đầu từ những chuyến đi điền dã của nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Sở VH-TT-DL Gia Lai. Th.S Tuệ cho hay, thay vì sau khi ghi âm, thu băng, chụp ảnh, sao chép tư liệu từ các nghệ nhân nổi tiếng trên một số lĩnh vực, họ thường “bồi dưỡng” cho các cụ khoản tiền (tùy tâm) để trang trải trong cuộc sống, thì nay cũng mục đích ấy, nhưng hình thức thì có khác - nghĩa là đối tượng được tìm hiểu, nghiên cứu không phải thuần túy thụ hưởng công sức mình bỏ ra theo kiểu “cho và nhận” như trước, mà được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng dựa trên nỗ lực, đóng góp của từng nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của mỗi dân tộc. Tất nhiên người được vinh dự trao tặng quỹ này phải được chọn lựa kỹ càng thông qua tiếng nói đồng thuận của cả cộng đồng.

Phải nói rằng, đến nay chỉ có những cá nhân, đơn vị, tổ chức xã hội ở Gia Lai mới làm được điều đáng trân trọng trên. Việc làm ấy được xem là hoạt động xã hội hóa chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng, Nhà nước một cách thiết thực và sinh động nhất. Hầu hết những người tham gia đóng góp, tạo lập quỹ hỗ trợ này đều cho rằng thực sự, có một tấm lòng, có suy nghĩ linh hoạt mới thực hiện được điều đó. Bằng không, cứ hô hào, hoặc tuân thủ cứng nhắc theo chính sách, chủ trương chung thì mọi việc cứ chậm trễ, ít mang lại thành quả như mong đợi. Hơn thế, biết là Đảng, Nhà nước hiện đang hoàn thiện, ban hành chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân trên nhiều lĩnh vực (văn hóa vật thể và phi vật thể), tuy nhiên không vì thế mà những ai có tâm huyết, thấu hiểu nguy cơ mai một và mất mát các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại đứng ngoài cuộc. TS. Thu Vân - Bảo tàng Dân tộc tỉnh Gia Lai, là thành viên sáng lập quỹ hỗ trợ trên chân thành bộc bạch: “Nếu mỗi người góp mỗi tay, tùy vào điều kiện, vị trí công tác của mình thì chắc chắn công cuộc chấn hưng và làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống sẽ mau chóng thành công. Hỗ trợ bằng tinh thần, vật chất cho các nghệ nhân lớn tuổi như chúng tôi đang làm để họ có thêm điều kiện cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội, là động thái đánh thức lương tâm, có ý nghĩa nhất của những người đang công tác trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục ở Gia Lai hiện nay. Việc làm ấy đang có sức lôi cuốn, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ ở địa phương này”.

Còn ở Đắk Lắk thì sao? Từ thực tế đời sống văn hóa nói chung và nghệ nhân nói riêng, không ít người có ý tưởng tương tự. Song, nói như nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kdăm hay TS. Tuyết Nhung Buôn K’rông (Trường Đại học Tây Nguyên) rằng: Mình làm không được, dù rất mong muốn là vì những người trực tiếp nhận lãnh trách nhiệm bảo tồn, phát huy vốn văn hóa ở đây chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Chính họ phải vào cuộc trước hết để từ đó thu hút mối quan tâm của mọi người bằng hành động (việc làm) thiết thực. Nhân đây cũng xin được nhắc lại nỗi bận lòng của nghệ nhân hát kể sử thi M’nông nổi danh- Điểu Klung (xã Krông Na - huyện Buôn Đôn) và nghệ nhân thẩm chiêng Y Bhiu Niê (xã Cư Bao-thị xã Buôn Hồ) rằng: “Cán bộ làm văn hóa của tỉnh, của huyện xuống buôn làng tìm hiểu đã lâu, nhưng không hiểu sao họ chẳng biết chúng tôi đang muốn gì và cần gì”?! Có lẽ do sự “không biết” ấy đã không thể biến ý tưởng đáng trân quý trên thành hiện thực nhằm kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của bao lớp nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang trong tình trạng “lực bất tòng tâm” trước thực trạng vốn văn hóa của dân tộc mình đang mai một hiện nay.

Phương Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.