Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống ở Cư Kuin

09:39, 14/12/2015
Ngay từ khi thành lập huyện vào năm 2007, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng đã được đảng bộ và chính quyền các cấp huyện Cư Kuin hết sức quan tâm và chú trọng. Đến nay, công tác này đã đạt được những kết quả khả quan, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn được khôi phục và gìn giữ.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành Văn hóa huyện tiến hành điều tra, khảo sát số lượng cồng chiêng, nghệ nhân và các hoạt động gắn với sinh hoạt cồng chiêng trên địa bàn. Ngành Văn hóa huyện thường xuyên tổ chức chiếu phim, phóng sự, diễn văn nghệ, tấu chiêng… đến tận các thôn, buôn; thực hiện 500 bức tranh cổ động với nội dung bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng; tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ 2 năm/lần… Hằng năm UBND huyện đều phối hợp với các ngành liên quan tổ chức truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 1 lớp dạy đánh chiêng tại buôn H’ra Ea H’ning (xã Đray Bhăng) cho 10 học viên (2010); phối hợp với Sở VH-TT-DL mở 4 lớp tại xã Ea Ktur với 40 học viên (2013) và 3 lớp với 30 học viên (2014)… Anh Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện cho biết, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 10 lớp truyền dạy đánh chiêng với sự tham gia của 110 học viên và 10 nghệ nhân truyền dạy, nâng tổng số người biết đánh chiêng trên địa bàn huyện lên 150 người, trong đó có 22 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; thành lập 12 đội chiêng trẻ và 16 đội chiêng nghệ nhân lớn tuổi. Bên cạnh đó, năm 2011 UBND huyện cũng đã mua 1 bộ chiêng trị giá 20 triệu đồng tặng buôn Kram, xã Ea Tiêu và cấp 5 bộ chiêng cho các buôn trên địa bàn huyện. Già Y Thăn Bkrông, sinh 1947, nghệ nhân đánh chiêng tại buôn H’luk, xã Ea Tiêu tâm sự: “Trong những năm qua, các cấp chính quyền đã quan tâm, tổ chức các lớp dạy đánh chiêng cho lớp trẻ, đây là niềm vui đối với những người già như chúng tôi, khi thấy con cháu vẫn không quên văn hóa truyền thống. Những hoạt động thiết thực này giúp bà con nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của văn hóa cồng chiêng trong đời sống của mình”.

Lớp học đánh chiêng của các em thiếu nhi người Êđê tại buôn Huê, xã Ea Ktur.
Lớp học đánh chiêng của các em thiếu nhi người Êđê tại buôn Huê, xã Ea Ktur.

Bên cạnh đó, công tác phục dựng và duy trì các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cũng được Đảng bộ và chính quyền hết sức quan tâm và giao cho Phòng VH-TT huyện tham mưu tổ chức thực hiện. Qua đó nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được khôi phục và thường xuyên tổ chức hằng năm như: Lễ cúng bến nước tại buôn H’ra Ea H’ning và H’ra Ea Tăl, xã Dray Bhăng; lễ cầu mưa tại buôn Kô Êmông, xã Ea Bhôk; lễ hội dân gian Việt Bắc tại thôn 4, xã Cư Êwi… Kết hợp với việc phục dựng lễ hội, công tác xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cũng được quan tâm vì đây chính là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, tập hợp người dân và là điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, sáng tạo các giá trị văn hóa. Ông Nguyễn Đức Hanh, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30% các nhà văn hóa cộng đồng hoạt động thường xuyên như mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, tổ chức các nghi lễ, lễ hội, trong đó nổi bật như nhà văn hóa cộng đồng buôn Kram (xã Ea Tiêu), buôn H’ra Ea H’ning (xã Dray Bhăng), buôn Pu Huê, buôn Jung A (xã Ea Ktur), buôn Kô Êmông (xã Ea Bhốk)… Ông Hanh cho hay: “Việc phục dựng các lễ hội và thường xuyên tổ chức hoạt động sinh hoạt tại các nhà cộng đồng đã tạo sân chơi lành mạnh, là nơi giao lưu văn hóa và trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Y Ngơn Niê, với mục tiêu tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư trang thiết bị văn hóa cơ sở, xây dựng nhà văn hóa xã, sân chơi bãi tập và nhà văn hóa huyện. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Văn hóa; nhất là cán bộ văn hóa xã, giúp họ nâng cao sự am hiểu về phong tục tập quán bản địa, bản sắc văn hóa và các lễ hội truyền thống; đặc biệt là phải biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số  để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả. Hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ cũng như các đội chiêng lớn tuổi bảo đảm việc luyện tập được duy trì thường xuyên…

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.