Multimedia Đọc Báo in

Dệt ước mơ từ những khung thổ cẩm

12:13, 07/02/2016

Nặng lòng và tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những người phụ nữ “đụng lên khung dệt vải thành hoa” ấy vẫn ngày ngày miệt mài bên khung dệt để giữ “lửa” nghề... 

Làm vì niềm yêu thích

Kmêč mrai thoh rai kơ bruă

Kngan thâo giêng kđiêng kđêˇč

(Người khéo léo biết se, nhuộm chỉ

Bàn tay biết dệt, ngón tay biết đan)

Đã từ lâu lắm rồi, chẳng biết từ khi nào, nghề dệt vải của các bà, các mẹ ngày xưa đã đi vào câu hát, lời nói vần của dân tộc mình như vậy đấy. Trước đây thời của bà, của mẹ mình, dệt vải là công việc thường ngày, quen thuộc. Mẹ mình khéo tay lắm. Từ những chiếc áo, chiếc váy, cái địu, cái chăn... vật dụng dùng trong nhà bằng vải đều là do bà dệt. Bà còn tự tay trồng bông, hái bông, se sợi. Thời xưa chỉ chắc, làm ra chiếc chăn đắp lên cũng ấm hơn nhiều...”. Những câu chuyện kể về một thời cách đây có lẽ chưa xa lắm trong ký ức của bà H’Dleh H’đơk (buôn Ea H’luk, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cứ miên man, miên man theo dòng hồi tưởng.

Bà H’Dleh H’đơk (thứ hai bên phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm do chính mình dệt.
Bà H’Dleh H’đơk (thứ hai bên phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm do chính mình dệt.

Ngày ấy, sau khi thu hoạch, từng cụm bông được lọc bỏ hạt, se thành những sợi chỉ mảnh. Có được sợi chỉ như ý, các bà, các mẹ lại dùng những màu sắc lấy từ cây, lá trong rừng để tạo màu nhuộm chỉ. Màu đỏ lấy từ vỏ cây snan dak và anara; màu vàng lấy từ củ nghệ; màu đen lấy từ vỏ cây, lá hay quả krum và tro cây le cùng vỏ cây adio; còn để có một màu xanh theo ý muốn, các bà, các mẹ lại lấy nước làm từ cây krum pha loãng rồi ngâm sợi, mức độ pha loãng và thời gian ngâm sợi lâu hay mau sẽ đem lại những màu xanh ở các sắc độ khác nhau...

“Tiếc là mẹ mình mất sớm, mà khi còn nhỏ mình lại chưa yêu thích nghề dệt nên không chịu học hỏi nhiều. Sau này khi lớn lên mới hiểu rằng cần phải giữ gìn nghề truyền thống của ông bà ngày xưa và cũng do thích làm nên mới tự mày mò học hỏi rồi dệt được”, bà H’Dleh H’đơk tâm sự. Những ngày đầu mới học, bà cũng thấy khó lắm, lúc thì quên luồn chỉ, lúc thì nhầm sợi hoa văn; đến khi quen tay, quen việc rồi thì mới thấy đơn giản, làm cũng nhanh hơn, thành thạo hơn. Từ yêu thích nên mới học dệt và cũng từ yêu thích nên mới trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu thêm để biết dệt được nhiều kiểu hoa văn. Đi đâu thấy váy áo, chiếc địu của ai có hoa văn đẹp bà cũng tới xem, lại hỏi: “Hoa văn này là bao nhiêu sợi chỉ?”, “Làm nó như thế nào?”... Sau đó về nhà bà liền ngồi vào khung dệt, làm thử cho đến khi thành công mới thôi. “Hoa văn mới bây giờ cũng đẹp nhưng không hợp ý mình. Mình vẫn thích màu sắc, hoa văn truyền thống hơn. Nhiều người đặt hàng có yêu cầu về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, mình làm được hết, thậm chí là dệt thành tên, thành chữ theo như yêu cầu. Mình cứ suy nghĩ miết xem làm thế nào để ra hoa văn như thế - khi ăn, khi đi ngủ, khi làm việc nhà cũng suy nghĩ, rồi sau đó làm thử và làm được. Chắc do làm nhiều nên thấy cũng dễ thôi mà...”, bà vui vẻ nói.

Trung bình một chiếc áo, váy phải làm mất gần 1 tuần, một chiếc túi làm khoảng độ 3-4 ngày, dệt chăn thì lâu hơn - tùy vào độ dài, ngắn của chăn. Giá của một chiếc áo, váy là 500.000 đồng; giá của một chiếc túi là 300.000 đồng... Vậy nhưng trong đó tiền chỉ, tiền len đã chiếm hơn 2/3, nên tính ra tiền công của bà chẳng được bao nhiêu, thấp hơn tiền đi làm thuê rất nhiều, chưa kể nhiều người nài nỉ bà lại bớt cho. “Mình dệt chỉ vì yêu thích với lại tranh thủ lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập thôi. Con cái nhiều khi thấy mình làm vất vả, hay bị đau lưng cứ khuyên nghỉ đừng làm nữa, nhưng nghỉ rồi thì thấy nhớ khung dệt, rồi lại tiếp tục buộc khung, luồn sợi. Mình có 5 đứa con gái mà chẳng đứa nào biết dệt. Lớp trẻ bây giờ đâu có đủ kiên nhẫn mà ngồi tỉ mẩn với khung dệt. Hiện giờ trong buôn chỉ có mình và một bà cụ lớn tuổi lắm rồi là biết dệt...”. Lời tâm sự của bà chất chứa đầy nỗi ưu tư ấy như phản ánh được phần nào tình trạng “lay lắt” của nghề dệt thổ cẩm hiện nay. Và với bà, ước mơ về một ngày nghề dệt thổ cẩm truyền thống được khôi phục, gìn giữ, phát triển, có hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân buôn làng vẫn luôn là những suy tư, trăn trở được bà gửi gắm vào từng đường chỉ, nét hoa văn trên những sản phẩm dệt...

Giữ “lửa” nghề

Sinh năm 1988, nhưng cô gái trẻ H’Djuih Êban (buôn Ju, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã biết dệt thổ cẩm cách đây gần 20 năm rồi. Từ thuở còn thơ bé, nhìn thấy bà, thấy mẹ và chị ngồi cặm cụi bên những khung dệt H’Djuih đã lân la nhìn và học hỏi. Cứ vậy, được sống trong môi trường gần gũi với nghề dệt truyền thống, được mẹ chỉ dạy, H’Djuih đã tự tay làm được những chiếc áo, chiếc váy thổ cẩm cho mình. Ai cũng khen H’Djuih dệt nhanh, dệt giỏi bởi những tấm vải thổ cẩm chị dệt nên rất mềm mịn, đẹp mắt và các kiểu hoa văn phối đều đặn, phù hợp. Đến nay H’Djuih biết dệt được rất nhiều mẫu hoa văn truyền thống khác nhau. Từ những mẫu đơn giản êlan hdăm (đường con kiến), asăr mkai (hạt dưa), mnga boh leh (chuỗi hoa quả trám), cho đến những mẫu hoa văn phức tạp như boh tênan (quả dứa), boh văt (trứng chim cút), anak rai (con rồng đất), mnuih pu ceh kpiê (người đội vò rượu cần)... Ngoài ra H’Djuih còn cùng với mẹ và các chị trong gia đình nghiên cứu, thiết kế thêm nhiều mẫu hoa văn mới. Bên cạnh những màu truyền thống như: đen, đỏ, trắng, vàng, xanh thì gia đình H’Djuih cũng sử dụng thêm những sắc cam, tím, hồng... để dệt theo yêu cầu của khách hàng.

H’Djuih Êban (thứ hai bên trái) cùng người thân trong gia đình bên khung dệt.
H’Djuih Êban (thứ hai bên trái) cùng người thân trong gia đình bên khung dệt.

H’Djuih kể: “Ở gia đình em tất cả phụ nữ trong nhà đều biết dệt. Bây giờ việc dệt vải không chỉ phục vụ riêng trong gia đình nữa mà còn để bán. Ngoài em ra thì từ mẹ, em gái của mẹ, cho đến thế hệ sau là chị gái, chị dâu và cả cháu gái nữa là 8 người đều yêu thích nghề dệt truyền thống và cùng nhận đơn đặt hàng để làm...”. Có thể nói, người có công lớn nhất trong việc truyền nghề cho con cháu là mẹ của H’Djuih - bà H’Soat Êban. Thấy con gái Êđê mới lớn bây giờ ít người biết dệt thổ cẩm, không biết làm ra cái chăn, dệt cái áo trước khi lấy chồng, không còn giữ được nghề truyền thống, bà H’Soat thấy tiếc nuối lắm nên quyết tâm phải truyền dạy lại cho con cháu mình để không bị mai một. Thế rồi lần lượt từ người con gái đầu là H’Bak, rồi H’Buk, H’Nháp, H’Nhuen, H’Djuih... bà đều chỉ dạy từng cách luồn sợi dọc, ngang, cách giật pấc (tên một dụng cụ trong khung dệt của người Êđê), tư thế ngồi cho đúng... Giờ đây, ngay cả đứa cháu gái là H’Loai Êban sinh năm 2000 cũng đã biết dệt thành thạo được 5 năm rồi. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, luồn sợi nhịp nhàng của con cháu dệt nên những tấm vải thổ cẩm bà vui lắm. Vậy là nghề dệt của bà, của mẹ ngày xưa đã không bị mất đi, lớp con cháu đã biết dệt để tự may những bộ váy áo truyền thống lại còn có thể nhận đơn đặt hàng về bán nữa.

“Để dệt được tấm vải may váy, áo cũng mất nhiều thời gian lắm, nhất là đối với các đường dệt có hoa văn. Phải tỉ mẩn ngồi nhặt sợi để tạo đường hoa. Có khi mất gần mười ngày mới dệt được một tấm vải rộng. Mọi người trong gia đình em cũng chỉ làm tranh thủ trong thời gian rảnh thôi. Có những đơn đặt hàng theo số lượng lớn, gia đình em mới tập trung thời gian và chia nhau ra làm. Ngoài các mặt hàng chính là váy, áo, chăn, gia đình em còn thiết kế những món quà lưu niệm nhỏ như túi, ví đựng tiền bằng chất liệu thổ cẩm theo các đơn đặt hàng của khách....”, H’Djuih cho biết. Có lẽ ít có gia đình nào lại giữ được “lửa” nghề dệt truyền thống như gia đình H’Djuih bởi không chỉ truyền dạy, chia việc cùng nhau làm mà mọi người còn động viên, hỗ trợ nhau để ngày càng dệt tốt hơn, đẹp hơn. Và việc được gặp, được trò chuyện với những người phụ nữ có bàn tay tài ba “đụng lên khung dệt vải thành hoa” của gia đình H’Djuih càng khẳng định thêm niềm tin nghề dệt thổ cẩm vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ và có sức sống mới.

Nhìn những sắc màu, hoa văn tinh xảo trên tấm thổ cẩm đang dần dần hiện ra dưới bàn tay thoăn thoắt dệt và nụ cười tươi vui của H’Djuih, cứ ngỡ dường như nắng xuân ấm áp đã về rất gần…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc