Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ hội tri ân mùa màng và cầu may đầu năm của người Pa Kô

06:42, 28/02/2016
Thời điểm giêng hai, khi lúa ngô mùa vụ cũ đã được phơi sảy, cất giữ vào kho, đồng bào Pa Kô nhắc nhau tạm quên đi lo toan, buồn vui năm cũ để đón xuân mới bình an, hy vọng vào vụ mùa mới thắng lợi. Đó cũng là khi lễ hội Aza, lễ hội tri ân mùa màng và cầu may đầu năm chính thức bắt đầu.

Như Tết Nguyên đán của người Kinh, vào mùa lễ hội, con cháu người Pa Kô dẫu đi tận phương trời nào cũng tìm về quê cha đất tổ để sum họp, để ăn Tết Aza truyền thống. Đây cũng chính là thời điểm du xuân của thập khách mọi miền nên đã thành thông lệ, cứ đến mùa lễ hội dân làng Pa Kô dành hẳn gian giữa của ngôi nhà sàn để tiếp khách, du khách có thể tá túc miễn phí trong thời gian diễn ra lễ hội. Sự chu đáo đó còn được thể hiện qua chiếc trống da dê, dụng cụ phát ra thanh âm báo hiệu khai mạc đại lễ Aza truyền thống. Năm nào cũng thế, chừng 2 tháng trước ngày khai hội, các già làng, trưởng bản huy động trai tráng của tộc người mình đốn đổ gốc mít cổ thụ đã được lựa chọn từ trước rồi tiến hành đẽo gọt làm thành cái tang trống hội. Tiếp đến, từ đàn dê của dân bản nuôi chọn ra một con dê đực có ngoại hình đẹp, bốn chân vững chắc, dáng nhanh nhẹn và một con dê cái mình nở rộng, da mềm, lông bóng, ngực sâu mổ ra lấy bộ da bịt hai mặt trống. Khi ba hồi chín tiếng từ chiếc trống da dê được vị già làng khả kính gióng lên giữa sân nhà cộng đồng để khai hội thì người Pa Kô từ già đến trẻ ai nấy khăn áo chỉnh tề vái lạy thành kính mời các vị thần linh về nhà mình để ăn tết Aza.

Những bông hoa tre độc đáo trên mâm lễ của người Pa Kô.
Những bông hoa tre độc đáo trên mâm lễ của người Pa Kô.

Theo quan niệm của đồng bào Pa Kô, để mời được thần linh về ăn tết với gia đình thì trước hết phải có lễ vật cầu mời. Mâm lễ dù là cao sang hay hèn mọn thì phải có sự hiện diện của hai loại thực vật và động vật. Thực vật có gạo nếp được nấu thành xôi, mía, sắn, ngô, khoai; động vật ngoài những con vật nhà nuôi được như dê, lợn, gà, vịt thì không thể không có thú rừng do chính chủ nhà săn bắt được bởi người Pa Kô cho rằng, ăn đời ở kiếp ở nơi một bên là vực thẳm hun hút, bên kia là núi cao chót vót cùng những khu rừng nguyên sinh giàu có tài nguyên mà không săn nổi một con thú trong ngày lễ tri ân mùa màng thì đó là thiếu sót mà thần linh khó lòng chấp nhận. Con chồn rừng chính là “của ngon vật lạ” được người Pa Kô săn tìm nhiều nhất để dâng lên các Giàng trong lễ hội Aza. Từ thịt chồn, đồng bào chế biến thành món A-đư bằng cách hấp chung thịt chồn sau khi đã thái ra từng lát mỏng cùng với nếp, môn rừng và đọt chuối rừng. A-đư ăn kèm với muối đậu lạc trở thành món ẩm thực truyền thống đặc sắc không thể thiếu trong các ngày lễ hội của người Pa Kô. Các mâm lễ vật, các món ăn dâng cúng trở nên trang trọng hơn, linh thiêng hơn nhờ một tín vật bằng tre được cắm vào mỗi dĩa vật phẩm mà đồng bào Pa Kô gọi đó là những bông hoa tre. Từ một thanh tre bằng chiếc đũa, họ khéo léo chẻ thành các tầng hoa tượng trưng cho những đôi tay của thần linh bốn mùa dang ra nâng đỡ, giúp họ thoát khỏi tai ương.

Tín ngưỡng đa thần thể hiện đậm nét trong cung cách thờ cúng của người Pa Kô. Trong lễ tết Aza có rất nhiều vị thần được họ cúng tế bài bản bao gồm thần nông, thần chăn nuôi, thần buôn bán, thần đất, thần động vật, thần núi, sông, cây cỏ. Ngoài ra, ông bà tổ tiên, thần làng, thần dòng họ cũng được đồng bào cúng bái cẩn trọng. Để biết các đấng thần linh đã nhận lời cầu xin hay chưa, các chủ hộ sử dụng hai đoạn nứa dài chừng 40 cm gieo lên trời, nếu cả hai cùng nằm ngửa là linh ứng còn nếu không thì cứ tiếp tục gieo như thế cho đến khi thỏa ước nguyện nhưng cũng không được vượt quá năm lần gieo. Tế lễ trong nhà xong, dân bản mang của lễ đến nhà cộng đồng để chung chia niềm vui sướng. Họ chia cho nhau những miếng thịt thú mà họ bẫy được; tình đoàn kết, thương yêu nhau được tỏa lan trong hơi men rượu cần, theo các giai điệu cha chấp, ca lơi không ngớt trên môi các bà, các mẹ. Những bếp lửa hồng được nhen lên bập bùng giữa đêm xuân dậy hương tựa ước muốn kéo dài mãi ngày vui Aza…

 Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.