Tây Nguyên thu nhỏ trong Bảo tàng Đắk Lắk
Từ khi mở cửa vào cuối năm 2011 đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi lên Buôn Ma Thuột. Địa chỉ này được xem là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu khá đầy đủ, sinh động về lịch sử - văn hóa của vùng đất Tây Nguyên.
Thông điệp từ những không gian trưng bày
Bảo tàng Đắk Lắk có tổng diện tích trưng bày 2.500m2, gồm 3 phòng chuyên biệt: Đa dạng sinh học, Lịch sử-Văn hóa dân tộc và Không gian kết nối các phòng trưng bày. Đây được coi là bố cục hợp lý và hiện đại trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và thưởng thức các giá trị văn hóa-lịch sử-môi trường của đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Không gian trưng bày Đa dạng sinh học hiện có hơn 200 hiện vật và hình ảnh cùng những thông tin giới thiệu về vùng đất Tây Nguyên, nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Phần Lịch sử-Văn hóa dân tộc trưng bày gần 500 hiện vật, 122 hình ảnh, phim video… thể hiện rõ những sắc thái văn hóa độc đáo và đặc sắc của các tộc người bản xứ, trong đó tiêu biểu nhất là 3 tộc người có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời (Êđê, M’nông, Jarai) cùng một số sắc tộc khác chuyển cư đến Đắk Lắk trước và sau những năm 1975. Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk đã giành một không gian trang trọng nhất để giới thiệu và tôn vinh Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản Văn hóa nhân loại được UNESCO công nhận vào cuối năm 2005. Với không gian này, công chúng có thể cảm nhận được giá trị của di sản thông qua những đoạn phim được trình chiếu tại đây. Bà H’Loan Adrơng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng cho đây là một trong những nội dung đáng chú ý và nổi bật nhất trong toàn bộ hoạt động của đơn vị từ trước đến nay. Trong các không gian trưng bày trên, thì phòng chiếu phim, hiện vật giới thiệu Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công chúng (du khách) tìm hiểu nhiều hơn hết. Một hướng dẫn viên ở đây cho biết, trong số gần 300.000 lượt người đến tham quan, nghiên cứu hiện vật tại bảo tàng trong năm 2015 vừa qua, thì Không gian Văn hóa cồng chiêng luôn thu hút nhiều đối tượng quan tâm. Trong sổ ghi cảm tưởng của du khách, nhiều ý kiến đề xuất nên đầu tư, mở rộng không gian này theo hướng “đa phương tiện” hơn khi tiếp cận với Di sản quý báu trên. Có nghĩa là ngoài hiện vật, phim ảnh ra… Bảo tàng Đắk Lắk nên thường xuyên mời nghệ nhân diễn xướng (cồng chiêng, hát múa dân gian) của các tộc người bản địa để “hiện thực hóa” giá trị di sản với tư cách là một nguyên hợp, không thể chia tách trong dòng chảy lịch sử-văn hóa của người Tây Nguyên. GS-TS Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ ý tưởng đó và cho rằng đó là phương cách đưa Văn hóa cồng chiêng hiện diện sinh động trong bảo tàng (chứ không phải bảo tồn) như một số quốc gia trên thế giới đã làm. Từ đây, thông điệp của không gian trưng bày, giới thiệu vốn văn hóa trên sẽ được phát đi, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân - và Bảo tàng Đắk Lắk khi ấy mới thật sự là địa chỉ có sức lôi cuốn công chúng tìm đến.
Kho tri thức cho mọi người
Có thể nói từ khi mở cửa đến nay, hoạt động của Bảo tàng Đắk Lắk còn trực tiếp góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hóa và khoa học cho công chúng, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Các em học sinh được giới thiệu về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi tại Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Thông qua công tác trưng bày và giáo dục, Bảo tàng đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; ý thức gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Theo đánh giá của Sở VH-TT-DL, những năm gần đây, Bảo tàng đã có bước đổi mới về trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật (màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D) nhằm làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, thu hút người xem. Theo đó hình thức phục vụ công chúng cũng được cải thiện và đổi mới như: xây dựng chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh, sinh viên… tạo nên cách tiếp cận mới giúp các em trải nghiệm và làm giàu tri thức trên các mặt văn hóa - nghệ thuật - lịch sử và môi trường. Thông qua hoạt động này, Bảo tàng đã có những đóng góp tích cực đối với việc triển khai Kế hoạch liên ngành (ký kết giữa các Bộ VH-TT-DL, GD-ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPNVN và Hội Khuyến học Việt Nam) về các nội dung: Nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; Làm giàu tri thức để làm chủ đất nước trong thời đại mới… Bà H’Loan cho rằng, đó cũng là phương thức, giải pháp cơ bản nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bà H’Loan xác định, sắp tới và trong tương lai, Bảo tàng Đắk Lắk là nơi gìn giữ những di sản vật chất, tinh thần cũng như từng bước đi lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là trung tâm thông tin, trường học, đồng thời là địa chỉ văn hóa phục vụ công chúng ngày càng sinh động và hiệu quả.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc